Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Quản lý du học sinh theo kiểu… hành là chính

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài của Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được những phản ứng gay gắt của dư luận.

Đánh thuế hai lần?
Điều khiến các ý kiến tỏ ra bất bình nhất là dự thảo quy định về việc du học sinh phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Toán học Đỗ Đức Hạnh (ĐH California Berkeley, Mỹ) phát biểu: “Theo luật thuế, thu nhập của chúng tôi được phân loại là mức thu nhập cao, và phải nộp thuế 40%, dù rằng đó là mức lương thấp dưới mức nghèo đói ở Mỹ. Ví dụ: một người làm nghề lau chùi nhà vệ sinh của khoa tôi ở Mỹ sẽ kiếm được 3.000 USD một tháng, một mức sống nghèo khổ ở Mỹ nhưng lại là vương giả nếu tính theo thu nhập ở Việt Nam. Sự bất cập hiển nhiên là, khi chúng tôi nhận lương ở nước ngoài thì nghiễm nhiên phải nộp thuế cho nhà nước sở tại. Vậy chúng tôi sẽ bị thu thuế tất cả hai lần, một lần ở Mỹ, và thêm một lần 40% nữa ở Việt Nam?”.
Du học sinh Việt Nam học tại Hàn Quốc trao đổi với đoàn khách từ trong nước sang thăm – Ảnh: T.P
“Hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra ở nhiều nước nhưng chưa từng có nước nào sử dụng các biện pháp hành chính thế này để bắt công dân mình về nước” – GS Nguyễn Trọng Do, Trưởng khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội
Một thành viên khác của diễn đàn tiến sĩ Việt Nam (PhDvn.org – đây là diễn đàn với khoảng 800 thành viên là du học sinh tham gia) là Nguyễn Quốc Định thì nói: “Sinh viên Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung ở nước ngoài, đi làm đều chịu thuế thu nhập ở nước sở tại. Sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí, thì thu nhập thực tế chỉ vừa đủ cho chi trả hằng tháng cho tiền thuê nhà và sinh hoạt gia đình (ở châu Âu, thu nhập sau thuế trung bình khoảng 1.000 euro/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học và cao học). Với một số người có gia đình và con nhỏ thì thu nhập còn dưới mức thu nhập tối thiểu và cần có trợ cấp xã hội của nước sở tại. Trong những trường hợp này liệu Nhà nước Việt Nam có trợ cấp cho sinh viên ở lại không, vì nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi. Nên chăng quy định những người đi học bằng ngân sách nhà nước, sau khi tốt nghiệp đi làm ở nước ngoài thì có nghĩa vụ (đạo lý và pháp lý) trích một phần thu nhập (5% thu nhập sau thuế chẳng hạn) để đóng góp vào quỹ khuyến học hoặc quỹ 322 do Bộ GD-ĐT quản lý, nhằm thúc đẩy giáo dục nước nhà (chứ không phải là nghĩa vụ thuế)”.
GS Nguyễn Trọng Do – Trưởng khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tỏ ra rất bất bình với dự thảo quy định này, ông cho rằng: “Việc đánh thuế hai lần là hoàn toàn sai luật. Bộ GD-ĐT căn cứ vào đâu để yêu cầu người Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài phải nộp thuế?”.
“Hành” là chính!
GS Nguyễn Trọng Do phát biểu: “Quy chế quản lý du học sinh bằng ngân sách nhà nước không thể “nhốt chung một rọ” với quy chế quản lý du học sinh theo diện tự túc, một đối tượng đi học bằng tiền của Nhà nước, một đối tượng là họ tự bỏ tiền túi ra để đi du học thì sao lại có cùng một cách quản lý được?”. Ông Do khẳng định: việc quản lý du học sinh tự túc là cần thiết với ý nghĩa là yêu cầu họ phải đăng ký những thông tin cần thiết với Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại và giúp đỡ họ khi cần thiết, bằng những việc làm thiết thực chứ không phải ban hành một văn bản để “hành” họ là chính”.
 

Du học sinh tự túc có thể sẽ có những quy định quản lý riêng

Ông Trần Bá Việt Dũng – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) cho biết: Ban soạn thảo quy định đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo với tinh thần cầu thị. Sau khi tập hợp các ý kiến đóng góp đó, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu và tiến hành xử lý, sửa đổi theo những đóng góp hợp lý.
Ông Dũng cũng cho hay: không loại trừ phương án có thể sẽ phải tách việc quản lý lưu học sinh theo diện tự túc ra một mục riêng với những quy định phù hợp riêng. Sau 60 ngày kể từ ngày công bố dự thảo, ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh sửa những nội dung cần thiết và công bố dự thảo đã sửa đổi để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp.
Theo ông Do, điều mà Bộ GD-ĐT cần làm để giúp đỡ lưu học sinh theo diện tự túc là thống kê và thông tin danh mục các trường của nước ngoài, chất lượng, loại hình đào tạo ra sao; Bộ GD-ĐT cũng nên khuyến khích các cá nhân du học tự khai báo những thông tin cần thiết như: địa chỉ liên lạc, ngành nghề, trường… mình đang theo học.
Ông Do nêu thực tế: hiện nay thực ra ngành GD-ĐT không giúp được gì cho những người du học tự túc, cũng không nắm được số lượng chính xác có bao nhiêu người thuộc đối tượng này. Thường là du học sinh tự thành lập Hội Sinh viên, học sinh Việt Nam ở cùng một nước hoặc cùng một bang để giao lưu, trao đổi thông tin và giúp đỡ nhau hoặc được Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài giúp đỡ chứ hầu như không thấy vai trò của ngành giáo dục VN.
Một điều nữa khiến dư luận không đồng tình là trong dự thảo này, một mặt Bộ GD-ĐT yêu cầu lưu học sinh được ở lại làm cộng tác viên khoa học hoặc hợp đồng lao động, thời gian ở lại không quá 3 năm kể từ khi tốt nghiệp. Điều này càng trở nên bất hợp lý hơn đối với du học sinh tự túc. Trong khi đó, lại không có biện pháp nào cụ thể để bố trí, sắp xếp công việc cho các sinh viên đi học tự túc trở về. “Yêu cầu người ta về nước nhưng Bộ GD-ĐT có bố trí được việc làm cho họ không, thu nhập có hấp dẫn hay không thì lại không trả lời được thì quy định đề ra chỉ để cho “vui” mà thôi” – ông Do nói.
Các ý kiến thảo luận về vấn đề này đều cho rằng: Về hay ở nên là quyết định của mỗi cá nhân tùy thuộc vào hoàn cảnh của đất nước và của bản thân lưu học sinh. Nhà nước không nên can thiệp vào bằng mệnh lệnh hành chính. Nếu điều này được thực hiện, chắc chắn tạo ra hàng ngàn người vi phạm pháp luật một cách bất đắc dĩ.
GS Do nói: “Hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra ở nhiều nước nhưng chưa từng có nước nào sử dụng các biện pháp hành chính thế này để bắt công dân mình về nước. Điều kiện tiên quyết là trong nước phải có đủ công ăn việc làm, có thể sử dụng đúng chuyên môn mà lưu học sinh đã học. “Một mình” Bộ GD-ĐT không thể “ôm” được việc này”.
Nhiều điểm không hợp lý
Quy định phải về nước sau ba năm kết thúc chương trình học tập là không sát thực tế. Đối với những bạn nhận học bổng từ ngân sách nhà nước hay thậm chí là học bổng tư của những công ty thì chắc chắn họ phải có nghĩa vụ ràng buộc về việc trở về. Thế nhưng, đối với những người nhận học bổng từ tập đoàn quốc tế chẳng hạn thì họ phải chịu sự điều động của tập đoàn đó. Nếu không chấp hành sự điều động, họ sẽ bị giới hạn nhiều cơ hội phát triển.
Mục đích của quy chế có lẽ mong đợi có nhiều người có năng lực quay về phục vụ đất nước. Tôi cho rằng, nếu  thu hút du học sinh bằng cả tấm lòng và chuyên môn của họ, bằng chính sách đãi ngộ… thì hiệu quả hơn nhiều so với công cụ hành chính như thế này.
Trong dự thảo quy chế có yêu cầu du học sinh phải nộp báo cáo kết quả học tập cho UBND cấp tỉnh khi quay trở về. Tôi chưa hiểu mục đích của vấn đề này là thế nào! Ngay cả sinh viên học tập ở các trường đại học tại TP.HCM khi quay về quê nhà thì họ đâu có nộp bản báo cáo học tập cho UBND tỉnh họ?! Nếu chỉ để quản lý nhân khẩu thì thời điểm du học sinh trở về họ đã đăng ký với chính quyền địa phương, đâu cần đến bảng điểm nữa?…
Về mặt được, tôi chỉ thấy ở quy định ghi nhận khen thưởng của những du học sinh. Đây là vấn đề mà câu lạc bộ du học sinh đề nghị bấy lâu nay. (Anh Lê Trí Thông – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du học sinh TP.HCM)
Như Lịch (ghi)
Tuệ Nguyễn/TNO

Bình luận (0)