Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Quản lý hoạt động đại lý thương mại: “Áo đã quá chật”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hoạt động ĐLTM của VN trong những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực thiết yếu trong cuộc sống như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá, rượu bia, nước giải khát… Tuy nhiên, theo các chuyên gia Luật hiện hành của VN lại chưa dự liệu được khả năng… phát triển của loại hình kinh doanh này.

Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương – Trương Quang Hoài Nam cho biết,  riêng trong lĩnh vực xăng dầu đã có 11 DN đầu mối. Trong 11 DN đó có khoảng 3.800 ĐLTM trực thuộc, 240 tổng đại lý và trong tổng đại lý có rất nhiều ĐLTM trực thuộc.
“Vênh” từ thực tế
Theo ông Claudio Dordi – Tư vấn trưởng Dự án Mutrap thì pháp luật quy định về hoạt động này vẫn còn chưa đáp ứng được những nhu cầu phát triển trên thực tế. Bởi lẽ, khi nền kinh tế đã mở cửa thì tính đặc thù của hoạt động ĐLTM cũng cần được nhắc nhiều hơn trong văn bản pháp lý thương mại.
Ông Claudio Dordi cũng cho biết, ông đã nghiên cứu Luật thương mại 2005 và một số văn bản pháp luật khác về hoạt động ĐLTM của VN nhưng chỉ thấy các quy định liên quan đến ĐLTM của một số mặt hàng như xăng dầu, LPG… trong đó, hoạt động này lại có mặt ở hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường.
Dưới góc độ chuyên gia, bà Phạm Chi Lan cho rằng, thời gian qua, hoạt động ĐLTM phát sinh nhiều biểu hiện tiêu cực như đại lý xăng dầu găm hàng chờ giá cao, có hàng mà không chịu bán. Đơn cử, trong hoạt động thương mại khi xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng từ nhà sản xuất thì giữa các ĐLTM thường xuất hiện việc mua đi bán lại với nhau.
Việc này tất yếu dẫn đến tăng chi phí tiêu thụ hàng hóa, đẩy giá  bán lẻ tăng cao, gây bất ổn cho thị trường. Ngoài ra, thực tế hiện nay việc mua đi bán lại các giữa các ĐLTM hay việc ký kết ĐLTM chưa đảm bảo quyền lợi của các bên nên đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước- bà Lan nói.
Nhưng chỗ quá lỏng, chỗ lại quá chặt mà điển hình là thuế GTGT. Ông Phạm Văn Hải – GĐ Cty TNHH Hải An cho biết, trong trường hợp bên làm ĐLTM nhận lô hàng đã bao gồm thuế GTGT và được chiết khấu thương mại. Khi bên ĐLTM bán hàng cho khách lại phải xuất hóa đơn thuế GTGT. Như vậy, vô hình trung lô hàng đó phải chịu hai lần thuế GTGT, đó là chưa tính đến việc các ĐLTM bán hàng cho nhau. Đây chính là căn nguyên đẩy giá hàng lên cao.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng có lượng đại lý thương mại lớn 
Hơn nữa, Luật thương mại có quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại  lý trong trường hợp hai bên không thỏa thuận về thời hạn trong hợp đồng. Tuy nhiên, luật lại không quy định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý trong trường hợp hai bên không thỏa thuận về thời hạn trong hợp đồng. Hay trường hợp bên sản xuất hàng hóa ký hợp đồng với bên làm ĐLTM thường yêu cầu không được bán mặt hàng cùng loại của đối thủ cạnh tranh.
Trong trường hợp này, nếu ĐLTM vi phạm thì việc đưa ra giải quyết về pháp lý thường rất khó thực hiện vì rất tốn kém, cơ quan quản lý nhà nước thì không can thiệp được vì đó là tranh chấp thương mại thông thường – đại diện chuyên gia nói.
Mặt khác, Luật thương mại hiện nay cho phép các bên có phạm vi quyền rất lớn nên khi ký kết các hợp đồng thương mại. Vì thế, các bên thường đưa ra thỏa thuận nhằm hạn chế tối đa những rủi ro cho mình nên rất khó cho DN nhỏ khi tham gia ĐLTM lần đầu.  Trong quy định pháp lý hiện nay cũng chưa phân biệt rõ ràng ĐLTM mang tính chất trung gian, nghĩa là đại lý không phải là chủ sở hữu chính thức của hàng hóa và ĐLTM mua đứt bán đoạn.
Hướng giải quyết
Ông Trương Quang Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, hiện bộ đang đề xuất nội dung Dự thảo khung Quy định về hoạt động ĐLTM. Theo đó, hoạt động này được quản lý chặt hơn, nhất là các hoạt động mua bán giữa các ĐLTM với nhau để tránh tình trạng giá bán lẻ hàng hóa bị đội lên.
Dự thảo cũng quy định về hình thức hợp đồng đại lý; đình chỉ, gia hạn, chấm dứt hợp đồng; phạt hợp đồng; quyền ấn định giá bán; thù lao cho đại lý; kiểm tra, giám sát đại lý; nghĩa vụ công bố thông tin về mối quan hệ đại lý; DN có quyền thỏa thuận doanh số tối thiểu mà đại lý phải đạt được và xử lý trường hợp đại lý không đạt được doanh số này trong thời gian nhất định.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại rằng, việc đưa ra khung pháp lý cho hoạt động ĐLTM vào thời điểm này là quá chậm so với tốc độ phát triển của thị trường. Do đó, nếu chỉ là quy định không thôi thì chưa đủ mà cần phải quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt từ cơ quan nhà nước cấp cao tới đại diện từng đại lý phân phối. Vì vậy, không ít ý kiến chuyên gia trong ngành cho rằng, cần có một nghị định riêng để quản lý đại lý.
Thậm chí, nghị định này sẽ đưa ra hợp đồng mẫu cho một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, phân bón, lương thực, xi măng, sắt thép, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cho người, nông sản… để quản lý tốt nhóm hàng thiết yếu.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông John J. Downes- Chuyên gia của dự án Hỗ trợ thương mại đa biên MUTRAP gợi ý một số điểm cần quan tâm nếu xây dựng nghị định về đại lý như làm rõ vai trò đại lý độc quyền hay không độc quyền, mối quan hệ giữa đại lý và bên thứ ba.
Theo Mai Thanh
DĐDN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)