Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Quản lý kiểu “hớt bọt”!

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề dạy thêm, học thêm không còn mới và có rất nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng vẫn chưa thu được kết quả như ý muốn. Có thành phố (Đà Nẵng) cách đây hơn 10 năm từng treo giải thưởng 100 triệu đồng cho ai hiến kế chấm dứt được việc dạy thêm, học thêm tràn lan trong nhà trường. Nhưng năm tháng cứ trôi đi mà không có ai nhận được giải thưởng đầy tính khích lệ ấy.

Phải nhìn sâu xa vấn đề, không quản lý kiểu “hớt bọt” như nồi cơm đang sôi; hễ thấy bọt nổi lên là hớt ra ngoài mà không biết vì sao mà có bọt nổi lên! Phải tìm ra gốc, quan tâm quản lý từ gốc may ra mới đạt kết quả.

Đó là chương trình thi cử hiện hành ngày càng khó; nếu không học thêm (nâng cao, đào sâu, củng cố) thì khó đạt kết quả cao. Vì trong lớp học ở trường, giáo viên không thể dạy nâng cao, không thể đào sâu kiến thức do thời gian eo hẹp và chương trình thì nặng nề (dù đã có giảm tải). Đó là đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, lương “ba cọc ba đồng” nên xoay xở cuộc sống hàng ngày rất vất vả! Lương không đủ sống mà vẫn bám lớp, bám trường là điều đáng biểu dương và hãy tạo điều kiện cho giáo viên cải thiện đời sống bằng nghề nghiệp chính của mình. Bác sĩ cũng khám bệnh ngoài giờ thì sao? Có ảnh hưởng hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc đâu! Đó là nhu cầu có thật của phụ huynh, của học sinh. Họ tìm thầy cô giỏi để học, để trở thành học sinh giỏi, để nâng cao kiến thức của mình. Không lẽ nhu cầu ấy không được thầy cô đáp ứng mà chờ người ngoài ngành đáp ứng hay sao?…

Quản lý dạy thêm, học thêm là giải quyết thỏa đáng, có lý có tình, tâm phục khẩu phục các vấn đề cốt lõi trên. Không thể quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, bằng một văn bản áp đặt từ trên dội xuống. Mặt khác, cũng rất cần sự thăm dò ý kiến giáo viên, phụ huynh và học sinh trong vấn đề này để có hướng giải quyết phù hợp. Nếu cấm dạy trong nhà trường, cấm dạy tại nhà thì tất yếu sẽ biến tướng rất nhiều việc dạy thêm, học thêm. Phải hài hòa giữa lợi ích nhà trường, lợi ích giáo viên và lợi ích xã hội.

Quản lý dạy thêm, học thêm theo kiểu “hớt bọt” như hiện nay sẽ khó thành công bởi nó không theo một quy luật nào cả!

Hoàng Trường Sa

Bình luận (0)