Chính quy định người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần phải xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở…
Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại VN có hiệu lực thi hành từ ngày 12-4-2008. Ngày 10-6-2008, Bộ LĐ-TB-XH đã có Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, đến nay sau hơn một năm thực hiện, trong khi lao động nước ngoài vào VN ngày càng gia tăng thì công tác quản lý vẫn không theo kịp.
Các chuyên gia quản lý người Pháp tuyển dụng lao động tại một ngày hội việc làm |
Quy định không sát thực tế
Nghị định quy định trước khi tuyển dụng lao động nước ngoài, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đăng báo tuyển dụng. Quy định này chỉ mang tính hình thức và không chứng minh được việc tuyển người nước ngoài là do không có lao động VN thay thế theo quy định của luật pháp VN. Việc tuyển dụng hiện nay có rất nhiều kênh, như thông qua các công ty cung cấp nhân sự, các mạng tuyển dụng trực tuyến, các trung tâm giới thiệu việc làm… chứ không riêng gì kênh đăng quảng cáo tuyển dụng trên báo chí.
Trong báo cáo mới đây gửi Bộ LĐ-TB-XH và UBND TPHCM, Sở LĐ-TB-XH TP nêu nhiều quy định của pháp luật còn thiếu thực tế. Chẳng hạn như quy định về cấp lại giấy phép lao động (GPLĐ) chỉ áp dụng đối với giấy phép bị hỏng hoặc mất nhưng không quy định hướng xử lý đối với trường hợp có sự thay đổi về mặt nội dung trên giấy phép như số hộ chiếu, chức danh công việc, tên DN. Ngoài ra, đối với người lao động vào VN chào bán dịch vụ cũng chưa có quy định cụ thể là trong thời gian bao lâu. Trường hợp đối tượng này không báo cáo, sở cũng không thể quản lý, kiểm tra, giám sát.
Rắc rối nhất là quy định về cấp GPLĐ đối với chức danh trưởng văn phòng đại diện (VPĐD), tổng giám đốc là người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài trước đây thực hiện hợp đồng lao động, sau quá trình làm việc được bổ nhiệm lên chức trưởng VPĐD. Ở thời điểm bổ nhiệm, người này được miễn cấp GPLĐ. Nhưng khi Nghị định 34/CP có hiệu lực, họ phải xin GPLĐ và một trong những loại giấy tờ phải có khi xin giấy phép là thư bổ nhiệm với nội dung ghi rõ “phải có thời gian công tác tại công ty mẹ trên 12 tháng”. Trong trường hợp này, các trưởng VPĐD được bổ nhiệm trong quá trình làm việc nội bộ không thể chứng minh được. Đó là lý do vì sao trong tổng số 3.063 VPĐD nước ngoài đang hoạt động tại TPHCM tính đến ngày 31-11-2008, Sở LĐ-TB-XH TPHCM chỉ mới cấp GPLĐ cho 156 trường hợp. Số còn lại, chủ yếu là người nước ngoài đang làm việc “chui” vì chưa có GPLĐ.
Không quản lý được lao động phổ thông
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, ở thời điểm trước tháng 11-2008, một số DN như Công ty TNHH Pou Yuen, Công ty TNHH Giày da Huê Phong… sử dụng rất nhiều lao động nước ngoài nhưng không có GPLĐ. Dư luận gần đây đề cập rất nhiều đến sự gia tăng đột biến lượng LĐPT người nước ngoài. Đội quân này nhập cảnh theo hình thức du lịch, được các DN, tổ chức tuyển vào làm thời vụ, giao kết hợp đồng lao động và làm việc khi chưa có GPLĐ. Chính quy định người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần phải xin cấp GPLĐ đã tạo kẽ hở cho các DN, tổ chức lợi dụng. Trên thực tế, các DN, tổ chức không khai báo việc sử dụng lao động thời vụ trước 7 ngày theo quy định thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể làm gì được.
Bên cạnh đó, việc một số nhà thầu nước ngoài nhận thầu thi công các dự án như dự án cải thiện môi trường nước, các dự án xây dựng cầu đường… sử dụng một lực lượng chuyên gia, LĐPT hùng hậu nhưng ngành chức năng không theo dõi, quản lý được. Sở LĐ-TB-XH TPHCM thừa nhận việc quản lý đối tượng này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nộp phạt và… tiếp tục phạm luật
Tại TPHCM, với vai trò quản lý Nhà nước, thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp như nhắc nhở, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, các biện pháp chế tài về kinh tế chưa đủ sức răn đe. Nhiều DN vi phạm sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục duy trì quan hệ lao động với người nước ngoài trái pháp luật.
Điều đáng nói là theo quy định tại Nghị định 34/CP, người nước ngoài sau 6 tháng làm việc tại VN mà không có GPLĐ thì sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi VN. Nhưng cũng theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, biện pháp trục xuất khỏi VN trước nay chưa có tiền lệ.
Những bất cập của cơ chế cũng như quản lý lỏng lẻo chính là nguyên nhân của tình trạng LĐPT nước ngoài ào ạt vào VN không kiểm soát được.
Còn nhẹ chế tài Nhìn từ các thị trường xuất khẩu lao động của VN, có thể thấy rõ những hạn chế về quản lý lao động nước ngoài tại VN. Chẳng hạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, mọi hành vi như nhập cảnh làm việc bằng visa du lịch, làm việc không có GPLĐ hoặc hết hạn hợp đồng mà không về nước đều bị coi là vi phạm pháp luật, bị xếp vào diện lao động bất hợp pháp. Những trường hợp này nếu phát hiện sẽ bị bắt giam, bị trục xuất và cấm nhập cảnh vĩnh viễn. D. Quốc
|
Bình luận (0)