Việc chưa “tập trung được các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm về một đầu mối” theo kế hoạch không những gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu tính công bằng. Những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đúng theo chủ trương thì rất khó tồn tại, còn cơ sở đầu tư sơ sài, không đủ điều kiện lại đang sống khoẻ…
Dây chuyền kiểm định và dùng công nghệ tia cực tím xử lý trước khi xuất phẩm trứng gà an toàn, tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng trứng gia cầm an toàn, trong chương trình bình ổn giá năm 2011, tại TP.HCM (ảnh chí mang tính minh họa). Ảnh: Lê Quang Nhật
|
Năm 2006, nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm, UBND TP.HCM có chủ trương lập khu chế biến và kinh doanh các sản phẩm trứng gia cầm tập trung để đưa hơn 70 doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm của thành phố về một đầu mối nhằm dễ kiểm soát chung về dịch tễ, không để các cơ sở này nằm rải rác trong các khu dân cư. Tuy nhiên, sau gần bảy năm triển khai, ngoài một số doanh nghiệp được nhận tiền hỗ trợ đầu tư nhà máy, số khác tự bỏ tiền ra làm, đến nay hầu hết những cơ sở còn lại vẫn tồn tại. Điều đáng nói là việc chưa “tập trung được các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm về một đầu mối” theo kế hoạch không những gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu tính công bằng. Những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đúng theo chủ trương thì rất khó tồn tại, còn cơ sở đầu tư sơ sài, không đủ điều kiện lại đang sống khoẻ…
Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM, cho biết hiện nay thành phố còn tồn tại hơn 70 cơ sở kinh doanh trứng gia cầm cấp 1 (được phép nhập trứng trực tiếp từ tỉnh về) và hơn 100 đại lý cấp 2, cấp 3…(chỉ được phép lấy trứng qua xử lý ở cơ sở cấp 1 về đóng hộp, bán lẻ). Số cơ sở này đang cung cấp một nửa lượng trứng – tương đương khoảng 2 triệu quả ra thị trường mỗi ngày. Hầu hết các cơ sở này đều không đáp ứng được các điều kiện như: ở cách biệt khu dân cư và các nguồn gây ô nhiễm; có nguồn điện cung cấp và nước ổn định, thiết kế thành khu riêng biệt như khu hành chính, sản xuất, kho bảo quản, xử lý chất thải, trứng gia cầm bán lẻ phải đóng hộp, ghi nhãn mác rõ ràng…
Ông Thảo thừa nhận, một thành phố đông dân, văn minh mà vẫn tồn tại hình thức kinh doanh trứng gia cầm không đủ điều kiện là không thể chấp nhận được. Thế nhưng, nhắc tới việc dẹp các hình thức kinh doanh này thì ông lại nói là… phải có lộ trình. Đem câu trả lời này trao đổi với các doanh nghiệp trót đầu tư hàng trăm tỉ đồng, đang phải cạnh tranh rất khó khăn với sản phẩm trứng thiếu an toàn, bán giá rẻ trên thị trường, đa số đều ngán ngẩm. Ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm) trình bày: thị trường trứng gia cầm đang có quá nhiều bất công. Nếu cơ quan thú y không sớm sắp xếp lại thì những doanh nghiệp đầu tư nhà máy, trang thiết bị hiện đại không thể quyết định được giá bán do phải chịu chi phí cao hơn 15 – 20%. Ngược lại, các cơ sở thu gom trứng trôi nổi, đầu tư không đáng kể, điều kiện sản xuất kinh doanh không đạt tiêu chuẩn, có chi phí thấp hơn lại thao túng giá bán, sống rất khoẻ. Một số doanh nghiệp khác còn cho biết, với chi phí gần như không đáng kể như vậy nên các cơ sở thu gom trứng trôi nổi đang hưởng lợi 200 – 300 đồng/quả, trong khi doanh nghiệp đầu tư bài bản chỉ mong lợi nhuận 50 – 100 đồng nhưng không thể đạt được bởi nếu để giá cao hơn thì không bán được, còn bằng giá trứng trôi nổi thì thua lỗ.
Không chỉ quả trứng mà ngay cả việc quản lý, quy hoạch giết mổ cũng đang tạo ra môi trường kinh doanh thiếu công bằng. Mặc dù quy định đến năm 2013 phải đưa hết các cơ sở giết mổ ra ngoại thành hoặc về các tỉnh, nhưng thực tế, đến nay thành phố vẫn còn nhiều điểm tồn tại ngay giữa nội thành, được hưởng nhiều lợi thế. Vì vậy, một số doanh nghiệp tư nhân có ý định đầu tư khu giết mổ quy mô lớn ra ngoại thành cũng không dám làm.
Ông Đàm Văn Hoạt cũng cho biết: “Vietfarm định đầu tư thêm dây chuyền xử lý trứng một triệu quả ra phía Bắc cùng với dự án lò giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại nhưng chưa dám làm vì biết chắc sẽ không thể cạnh tranh được. Đầu tư lúc này dễ mất tiền như chơi”.
Hoàng Bảy
SGTT.VN
Bình luận (0)