Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và UBND TP.HCM vừa phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề về Chỉ thị số 24 – CT/TU ngày 11-11-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, các trường hợp có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị
Nhiều nhà, đất công bị bỏ trống
Tại quận 1, bà Hoàng Thị Tố Nga – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy – cho biết, trong quá trình thực hiện, một số nhà, đất chưa xác lập sở hữu Nhà nước, UBND quận đã lập danh mục báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý. Có 17 địa chỉ nhà, đất đang để trống, UBND quận đã đề xuất giải pháp quản lý nhằm tránh lãng phí, xuống cấp. Các đơn vị thuê nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đầu tư xây dựng mới chưa đúng quy định. Có nhiều nguyên nhân, trong đó do quỹ đất công sản, công ích mà quận đang quản lý quá nhỏ và manh mún nên khó đầu tư khai thác hiệu quả.
Tại quận 8, ông Trần Thanh Tùng – Chủ tịch UBND quận – thông tin, khối lượng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn quận 8 tương đối lớn, nhiều nguồn gốc khác nhau, công tác quản lý, sử dụng được giao cho nhiều đầu mối quản lý qua thời gian dài. Mặt khác, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn… Từ thực tiễn, quận 8 đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở ngành TP sớm xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có ý kiến về những khu đất do Nhà nước quản lý của các đơn vị Trung ương trên địa bàn quận để đưa vào khai thác có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM về thực hiện Chỉ thị 24 cho thấy có nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số nơi cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị; Còn tình trạng sử dụng nhà, đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích, cho thuê lại… nhưng không được kiểm tra, xử lý kịp thời; Công tác quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất và đồng bộ, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao.
Đối với UBND TP, chưa sắp xếp xong việc bàn giao quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước và nhà, đất thuộc diện quản lý theo Nghị định số 167 trên địa bàn TP về một đơn vị thống nhất quản lý, vận hành; chưa ban hành các văn bản quy định trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất như quy chế quản lý, khai thác quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng tiếp nhận, quản lý…
Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng – kiến nghị, nên thống nhất giao về một đầu mối quản lý, vận hành cho trung tâm. Trung tâm được UBND TP giao 8.125 căn nhà ở cũ nhưng vẫn còn sót hơn 1.500 căn nằm rải rác ở các quận, huyện. Về mặt pháp lý, trung tâm quản lý nhưng thực tế lại không có. Đối với nhà thuộc đối tượng Nghị định 167, đến nay 4 năm mới giao 44 địa chỉ nên đã gây khó cho trung tâm trong việc bố trí nhân sự, dự toán ngân sách, kế hoạch thực hiện sửa chữa…
Thực hiện Chỉ thị 24 cần gắn với số hóa
Chỉ thị 24 được ban hành với ý nghĩa phát huy vai trò, nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu trong quản lý đất công, nhà công trên địa bàn TP; từng bước chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, sai phạm và tiến tới nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, tài sản công của TP rất lớn, nếu quản lý khai thác tốt sẽ là nguồn lực giúp TP triển khai các nhiệm vụ kinh tế – xã hội. Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 24, TP đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê nắm được quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước vẫn chưa đạt theo chỉ thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải phát biểu tại hội nghị
Từ thực tế này, Ban Cán sự Đảng UBND, Ban Thường vụ các quận, huyện ủy, TP.Thủ Đức, cấp ủy lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ tài sản phải rà soát lại việc thực hiện Chỉ thị 24. Củng cố lại tổ công tác thực hiện Chỉ thị 24.
“Ban Cán sự Đảng UBND TP củng cố lại ngay và trong 6 tháng đầu năm 2024 phải xác lập hết các công việc mà cấp TP phải làm; những việc cấp quận huyện, các đơn vị phải làm để bổ sung kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 24. Trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025, sẽ tập trung thực hiện đạt theo yêu cầu Chỉ thị 24”, ông Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch TP, phải rà soát, bổ sung kế hoạch. Rà soát lại, kiểm kê tài sản công gắn với số hóa, giải quyết dứt điểm các bất cập, những việc vướng mắc. Tập trung giải quyết các vướng mắc, phát sinh, chủ yếu về mặt pháp lý. Khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, quy định chuyển giao, tiếp nhận, đấu giá tài sản, quản lý, đầu tư phát triển mới. Tăng cường kiểm tra giám sát để tiếp tục chấn chỉnh, đưa việc này vào nền nếp, thực hiện bài bản đạt kết quả và tránh sai sót tiêu cực…
Nhằm ngăn chặn, không để xảy ra những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP trong thời gian tới, ông Dương Ngọc Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM – đề nghị cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 24 và công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; quá trình thực hiện luôn bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy, cấp ủy cùng cấp và ủy ban kiểm tra cấp trên. Đẩy mạnh việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, các trường hợp có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)