Thông tư 04 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về quản lý thuê bao di động trả trước (TBTT) đã có hiệu lực gần 3 tháng, thế nhưng sim rác di động vẫn bán tràn lan.
Trách nhiệm nhà mạng
Những năm gần đây, khi thị trường viễn thông đã bước vào giai đoạn bão hòa, nhà mạng tung nhiều chiêu khuyến mãi, tặng tiền “khủng” để thu hút khách hàng mới sử dụng TBTT. Do đó, người dùng thường mua sim rác, sử dụng hết số tiền trong tài khoản rồi ném bỏ, mua sim mới một cách thoải mái. Theo số liệu của Bộ TTTT, trung bình mỗi năm các nhà mạng phát triển được khoảng 10 triệu thuê bao mới, nhưng 80% trong số đó là thuộc thành phần sim rác, thuê bao ảo. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng méo mó của thị trường này.
Cụ thể cước liên lạc TBTT khoảng 1.400đ/phút, nhưng vì được khuyến mãi 100% cho 5 – 10 thẻ nạp đầu tiên và hằng tháng khuyến mãi tặng 50% – 100% giá trị thẻ nạp nên giá cước trở nên rất rẻ. Trong khi đó, cước trả sau khoảng 1.000đ/phút nhưng phải đóng phí thuê bao là 50.000đ/tháng. Vì thế, khách hàng thường chọn TBTT vì lợi hơn trả sau. Do vậy tỉ lệ thuê bao trả sau của các mạng di động đang ở mức rất thấp, chỉ chiếm 2 – 5%, trong tổng số thuê bao di động của cả nước hiện là hơn 121 triệu.
Rõ ràng ở đây, trách nhiệm của các nhà mạng được đặt lên đầu tiên trong vấn đề quản lý thuê bao của mình, nhất là TBTT. Bởi nếu nhà mạng “không dễ dãi” thì các cửa hàng, đại lý sim, thẻ không thể đăng ký gian và kích hoạt sim tràn lan như hiện nay.
Cần mạnh tay và biện pháp hữu hiệu mới
Một điều được các chuyên gia viễn thông cho là có yếu tố quyết định trong vấn đề dẹp nạn sim rác và thuê bao ảo là các nhà mạng cần chấm dứt việc khuyến mãi 100% thẻ nạp tiền cho sim mới. Theo dự thảo thông tư Quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng thông tin di động mặt đất do Bộ TTTT đang soạn thảo, cước hòa mạng được xác định trên cơ sở chi phí thực hiện hòa mạng 1 số điện thoại di động nhưng không thấp hơn 25.000đ/lần hòa mạng. Cước hòa mạng thu một lần, mức cước không phân biệt giữa hình thức trả trước, hình thức trả sau và cùng mức cước với các gói cước dịch vụ thông tin di động.
Như vậy, nếu thông tư này có hiệu lực, thuê bao trả trước sẽ phải đóng phí hòa mạng 25.000đ, chứ không phải là được “biếu không” như hiện nay. Đây cũng được xem là một biện pháp để hạn chế tình trạng sử dụng sim rác.
Các chuyên gia viễn thông cũng cho rằng, để phát triển bền vững thị trường di động, cần tăng cường thuê bao trả sau và hạn chế TBTT có thông tin ảo. Bởi hiện nay, ưu đãi cho trả sau không rõ nét so với TBTT nên khách hàng đa số chọn dùng TBTT với nhiều ưu đãi và dễ dãi từ nhà mạng.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng đang trưng cầu ý kiến người dân và DN về chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Chính sách này được kỳ vọng sẽ đem lại quyền lợi cho khách hàng và sự bình đẳng giữa các mạng di động và hiện có khoảng 70 quốc gia đã cung cấp dịch vụ chuyển mạng và giữ nguyên số cho khách hàng. Mặt khác, nếu áp dụng chính sách này, các DN di động có thể trực tiếp cạnh tranh thu hút khách hàng trên cơ sở lợi thế về dịch vụ, giá cước một cách bình đẳng. Và cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thêm công cụ để thúc đẩy tính cạnh tranh cũng như điều tiết hoạt động của thị trường viễn thông di động; nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên kho số viễn thông.
Chấm dứt hoạt động TBTT không đăng ký hoặc đăng ký thông tin sai
Ngày 22.8, đại diện Bộ TTTT cho hay, cơ quan này vừa có công văn số 2128/BTTTT-CVT gửi các sở TTTT, DN cung cấp dịch vụ di động (gọi tắt là DN) và các đơn vị thuộc bộ yêu cầu triển khai thực hiện quy định về quản lý TBTT. Công văn yêu cầu các DN rà soát công tác quản lý TBTT của DN. Thực hiện nghiêm quy định: TBTT không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động.
|
Thế Hải (Lao Động)
Tin liên quan
Sáng 16-1, Doanh nghiệp xã hội ECUE và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) chính thức...
Tối 11-1-2025, Hội Nữ doanh nhân TP.Cần Thơ (CAWE) tổ chức tổng kết và Giao lưu Chúc mừng năm mới 2025. Ông...
Sáng 13-1, đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có...
Chiều 7-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2024, triển khai chương trình công...
Bình luận (0)