Một nghi lễ trong Lễ Cầu ngư ở một tỉnh phía Nam
Nước ta hiện có tới hơn 8.000 lễ hội dân gian truyền thống và hiện đại. Có những lễ hội nổi tiếng tầm quốc gia, như các lễ hội: Đền Hùng, chùa Hương, Yên Tử, đền Kiếp Bạc, Hội Lim, đền Trần… và còn hàng nghìn lễ hội khác ở các địa phương trong cả nước, kể cả ở các phường, làng, xã. Lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa xuân.
Phần lớn các lễ hội đã thể hiện được truyền thống lịch sử – văn hóa của dân tộc và địa phương, giáo dục lòng yêu nước, tôn kính và biết ơn các vị anh hùng dân tộc có công với nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh của nhân dân. Thế nhưng, không ít các lễ hội hiện nay thường bị lạm dụng, biến tướng, nảy sinh nhiều nét tiêu cực, thiếu văn hóa và tinh thần nhân văn, trở nên dung tục, tầm thường, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và gây phản cảm trong dư luận quốc tế. Ngày 5-2-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nhằm đưa lễ hội vào nền nếp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Đây là một công việc rất quan trọng và bức thiết.
Văn hóa lễ hội bao gồm những nội dung chính dưới đây.
Bảo đảm thuần phong mỹ tục của dân tộc
Lễ hội dân gian có nguồn gốc là những ngày vui của cộng đồng sau những cuộc chiến thắng ngoại xâm, chống thiên tai, hoặc sau những tháng ngày miệt mài lao động, thu hái được thành quả. Mở lễ hội trước hết là để mọi người ghi nhớ công ơn các bậc tiền bối có công lớn với đất nước, quê hương; cầu trời, khấn Phật và các đấng thần linh giúp cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mỗi người cầu mong cho mình được mạnh khỏe, hạnh phúc; sau đó là chiêm ngưỡng các di sản văn hóa, các hiện vật lịch sử quý giá và thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên thanh tĩnh, tươi đẹp. Vì vậy, tinh thần nhân văn, lối sống cao đẹp, biết đền ơn đáp nghĩa tổ tiên, thể hiện tình đoàn kết, niềm lạc quan yêu đời, trang phục du khách đứng đắn, lời nói lịch thiệp – là đặc trưng, là linh hồn, là cốt lõi của văn hóa lễ hội, cần được hết sức coi trọng, gìn giữ, phát huy.
Loại trừ những cái cổ hủ, mê tín dị đoan
Về điều này, cần ghi nhớ lời Bác Hồ dạy trong bài nói về “Đạo đức cách mạng” (năm 1958). Bác chỉ rõ: Đối với người cách mạng, có “ba kẻ địch nguy hiểm”, trong đó “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là một kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài” (Hồ Chí Minh – “Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 173). Do lưu truyền từ đời này sang đời khác, mà nhiều lễ hội có sự mất đi hoặc biến đổi, bổ sung những cái tốt và cả những cái xấu – như nặng về mê tín dị đoan, tệ ăn uống lu bù, nạn cờ bạc, những trò chơi nhảm nhí, mang nặng tính thương mại. Tệ rải tiền lẻ bừa bãi, đốt vàng mã quá nhiều, sắm lễ quá to và cầu kỳ (hàng mã có cả biệt thự, xe ô tô, xe máy, ngựa giấy, đô la…), cần phải được phê phán. Một số lễ hội còn mang tính hoang dã, cần phải được điều chỉnh. Ví như việc cướp đồ thờ cúng trong lễ hội Gióng, cướp ấn đền Trần; lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên và ở thôn Vinh Quang (xã Thanh Trù, TP.Vĩnh Yên) tỉnh Vĩnh Phúc, hoặc dùng chày đập đầu trâu cho đến chết, ở Phú Thọ; lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh… gây ra nhiều phản cảm (Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á đã khuyến cáo nên bỏ hủ tục này). Hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng và xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc cũng giết thịt ngay những “ông trâu” vừa thi đấu, trong khi trâu được ví như “đầu cơ nghiệp” của nhà nông.
Không nhằm mục đích lợi nhuận
Các cuộc thi tài đều có thưởng cho bên thắng; nhưng phần thưởng không nặng về giá trị tiền bạc, mà cốt tạo niềm vui, sự sảng khoái tinh thần, không kích thích tính tham lam, hiếu thắng. Những trò chơi mang tính cờ bạc, bịp bợm và nạn bán hàng giả cần được ngăn chặn. Không lạm dụng các hòm “Công đức” hoặc nhân lễ hội mà tổ chức các cuộc quyên góp. Các nhân viên, diễn viên tham gia lễ hội không nên “xin tiền” du khách, gây phản cảm cho người xem (Ví dụ: Vài năm trước, các liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh trong hội Lim vừa hát trên thuyền, vừa chìa nón, chìa tráp xin tiền các du khách trên bờ).
Bảo đảm tốt trật tự và an toàn xã hội
Đây là vấn đề rất hệ trọng. Lễ hội thường thu hút rất đông người, có cả Việt kiều về nước và du khách nước ngoài. Do đó, cần bảo đảm an toàn về mọi mặt: giữ gìn an ninh chính trị; không để xảy ra hỏa hoạn, tai nạn giao thông, trộm cắp và các tệ nạn xã hội khác. Các loại dịch vụ (bán hàng, trông coi xe…) phải được tổ chức và quản lý chu đáo, đảm bảo chất lượng, không “chặt chém” du khách; giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp; không để tình trạng người ăn xin kêu khóc xin tiền. Đặc biệt, lực lượng công an và dân phòng phải kiên quyết xử lý những kẻ lưu manh, côn đồ gây rối, thậm chí giết người chỉ vì những xích mích nhỏ nhặt!
Chọn lọc và không kéo dài thời gian
Các cơ quan chức năng cần rà soát, bỏ bớt một số lễ hội nhỏ, hoặc ít giá trị văn hóa. Không kéo dài thời gian mỗi lễ hội; bởi thì giờ cũng là tiền bạc quý báu. Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0, cần phải tiết kiệm thời gian, tập trung cho công tác, sản xuất, học tập, sẵn sàng chiến đấu và càng phải tính toán chi tiêu từng cắc từng đồng sao cho hợp lý, nhằm đạt hiệu quả thiết thực, phát triển kinh tế – văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Tránh lãng phí, phô trương hình thức. Ban tổ chức các lễ hội cần cân nhắc về quy mô, số khách mời và chi tiêu công quỹ sao cho tiết kiệm, minh bạch tiền công đức (số tiền này ở các lễ hội rất lớn), tránh lãng phí, tham ô công quỹ.
Trong việc quản lý, tổ chức và tham gia các lễ hội, Chỉ thị 41 của Ban Bí thư nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; phê bình và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm”.
Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa truyền thống, cũng thuộc thế giới tâm linh của con người. Tổ chức, quản lý và tham gia lễ hội – suy cho cùng là để mỗi người đạt tới cái Chân – Thiện – Mỹ, bồi dưỡng truyền thống dân tộc và những điều tốt đẹp Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Như thế, lễ hội mới có ích. Nói cách khác, lễ hội giáo dục truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc, làm cho con người yêu đời, yêu người, biết sống tốt đẹp, tránh cái xấu, cái ác. Không lạm dụng lễ hội để khuyến khích thói ăn chơi lu bù, kiếm lợi bất chính và làm mất trật tự, trị an. Chớ để đồng tiền, sự hám lợi, các hủ tục và mê tín dị đoan chi phối và bao trùm các lễ hội – đấy thật sự là điều rất phản văn hóa. Tính văn hóa đích thực của các lễ hội cần phải đặc biệt coi trọng.
Đào Ngọc Đệ (Hải Phòng)
Bình luận (0)