Ở một số nước trên thế giới, tại các trường sư phạm, tất cả giáo sinh đều phải học môn “thanh tra và quản trị nhà trường”. Nghĩa là, mọi giáo sinh đều biết chức năng của người hiệu trưởng là gì. Khi ra trường, dù là người được quản lý (giáo viên) hay sau này là người quản lý (hiệu trưởng) sẽ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ở nước ta hiện nay, giáo sinh trường sư phạm không học môn “thanh tra và quản trị nhà trường”. Do vậy, chỉ những giáo viên đủ tiêu chuẩn được cử đi học lớp cán bộ quản lý để tạo nguồn thì mới được biết vai trò, nhiệm vụ của người quản lý. Còn giáo viên đơn thuần chỉ làm chuyên môn thì không thể nào biết được. Từ thực tế này, dẫn đến tình trạng giữa những người quản lý (hiệu trưởng) và những người được quản lý (giáo viên) luôn có khoảng cách. Có thể nói, việc công khai minh bạch trong quản lý, phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân người hiệu trưởng.
Chúng ta hãy tham khảo tiêu chí của một hiệu trưởng giỏi đăng trên một trang web, tóm lược như sau:
Trực tiếp thu thập thông tin
Trực tiếp tham gia vào hoạt động của các bộ phận, tham dự chuyên đề chuyên môn
Thực tế và có khả năng tập trung cao
Luôn chủ động mọi tình huống với kế hoạch hội đủ các yếu tố SWOT (S – Strengths: Sức mạnh, W – Weaknesses: Điểm yếu, O – Opportunities: Cơ hội, T – Threats: Thách thức)
Phải biết lắng nghe từ nhiều nguồn ý kiến
Đảm bảo mọi người đều cố gắng vì sự phát triển của nhà trường
Nhìn thẳng vào sự thật yếu kém để tìm cách khắc phục.
Có khả năng tạo áp lực khiến cán bộ – viên chức làm việc tích cực hơn
Người hiệu trưởng giỏi được mô tả như trên làm việc quá ư cực nhọc, thuần túy dựa vào năng lực cá nhân trong khi một thế giới công nghệ đang phát triển sôi động.
Dự án hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục SREM
(Theo : www.srem.com.vn)
Mục đích của SREM:
Nâng cao năng lực quản lý giáo dục ở cấp bộ, sở, phòng GD-ĐT và các trường.
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho hệ thống quản lý giáo dục đổi mới.
Sau tám năm hoạt động với kinh phí 12 triệu Euro (tương đương 312 tỷ đồng) do EU viện trợ, đến nay SREM đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Dự án đã phát hành 5 tập tài liệu được biên soạn và in ấn công phu, cung cấp một bộ công cụ quản lý bằng phần mềm VEMIS với các phân hệ quản lý tài chính – tài sản FMIS, quản lý học sinh SMIS, quản lý nhân sự PMIS, quản lý giảng dạy TMIS, quản lý thư viện LMIS và phân hệ hỗ trợ đánh giá hoạt động M&E. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá SREM chưa đạt được mục tiêu đề ra, VEMIS chỉ là công cụ chưa hoàn chỉnh trong một hệ thống giáo dục còn khập khiễng.
Công cụ chưa hoàn chỉnh vì nó là phần mềm cho tới nay phần lớn ở các trường chỉ chạy trên môi trường mạng LAN, thậm chí chỉ chạy trên máy chủ. Nhiều bài viết đăng tải trên diễn đàn các mạng truyền thông xã hội đã nói về những thiếu sót của chương trình. Phần giao tiếp truyền thông với phụ huynh học sinh có nêu nhưng còn bỏ ngỏ.
Có thể nói, những yếu kém hiện nay của ngành giáo dục không hoàn toàn do lãnh đạo nhà trường mà còn do lỗi hệ thống. Hệ thống khập khiễng từ việc phân bậc học, chồng chéo quản lý trong việc phân chia dạy nghề và chuyên nghiệp. Chương trình còn ôm đồm lý thuyết, nặng nề học thuộc lòng, kém tính thực tiễn và có phần còn lạc hậu thông tin. Bên cạnh đó, nhà trường hiện nay chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử xã hội, thái độ bảo vệ thiên nhiên cho người học. Thiếu kết nối đào tạo sư phạm với thực tiễn giảng dạy, quản lý trường, tu nghiệp theo chu kỳ. Chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Còn nặng bệnh thành tích…
Vai trò của truyền thông – thông tin
Lịch sử phát triển của truyền thông (communication) gắn liền với lịch sử phát triển loài người. Từ truyền thông bằng tín hiệu khói, lửa, âm thanh, cờ hiệu semaphore đến morse và phát triển vũ bảo với điện thoại có dây, điện thoại không dây, internet… Ngày nay truyền thông được sự hỗ trợ của máy tính và công nghệ thông tin đã trở thành công nghệ truyền thông – thông tin (ICT- information communication technology).
Công nghệ truyền thông – thông tin thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống và chúng không thể tách rời nhau được. Truyền thông (communication) không có thông tin (information) là truyền thông lạc hậu. Ngược lại, thông tin không có truyền thông như thuyền buồm không có gió.
Có thể nói hiệu trưởng quản lý trường chính là quản lý thông tin về giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy… bằng công cụ thu thập thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn. Phương tiện thu thập và xử lý thông tin càng hiện đại thì thông tin giáo dục càng chính xác, nhanh chóng. Thông tin phải thông suốt giữa nhà quản lý với giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội. Các công cụ để quản lý giáo dục hiện nay phát triển theo hướng công nghệ truyền thông – thông tin (ICT), phương tiện internet hỗ trợ đắc lực cho quản lý giáo dục. Tuy nhiên, chỉ với internet không chưa đủ, nhà quản lý giáo dục còn vận dụng đến các công nghệ đặc thù khác như công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) nhận dạng bằng sóng vô tuyến, nhận dạng bằng mã vạch, thẻ từ… Vấn đề ở chỗ các giải pháp này làm sao được cung cấp đại trà với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
Công nghệ vẫn chỉ là công nghệ, không thể thay thế được con người. Vì vậy, một hiệu trưởng giỏi phải biết dựa vào công nghệ ICT như máy tính, internet, smartphone và các công nghệ phụ trợ như RFID, mã vạch, thẻ từ, nhận biết vân tay… Qua đó, người hiệu trưởng sẽ có được thông tin nhanh và chính xác về giáo viên, học sinh, về các hoạt động dạy và học, về tài chính – tài sản nhà trường, về thái độ và phản ứng của học sinh và xã hội. Từ đó đưa ra quyết định đúng đắn để lãnh đạo và quản trị tốt nhà trường.
Nguyễn Công Thành – H.Tr
Bình luận (0)