Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quản nhiệm: Nghề… làm dâu trăm họ!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Kỳ cuối: Không bỏ nghề được

Chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh là công việc thường xuyên của mỗi giáo viên quản nhiệm nội trú! (ảnh chụp tại Trường THPT Tư Thục Hồng Đức)

“Nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Tôi cũng đâu có nghĩ mình theo nghề này. Thế mà nay đã gắn bó với nghề cả chục năm rồi. Thú thật, tôi có nhiều cơ hội để chuyển sang nghề khác nhưng lỡ yêu cái nghề này mất rồi”. Thầy Nguyễn Văn Toản – Tổng quản nhiệm Trường THPT Tư thục Hồng Đức cho biết.
Kiêm đủ thứ nghề
Công việc của một giáo viên quản nhiệm bán trú là theo dõi, quản lý các em từ khi các em vào trường đến hết ca học chiều, các em rời trường. Riêng giáo viên quản nhiệm nội trú thì công việc bắt đầu từ khi các em học sinh thức dậy cho đến khi các em… đi ngủ! Ngay cả khi các em đã vào mùng và ngủ thì giáo viên quản nhiệm vẫn phải “đi tuần” để nhắc nhở những em còn thức giữ yên lặng. Cứ thế, công việc của giáo viên quản nhiệm không phải là bục giảng mà là hành lang, phòng ăn, phòng ngủ…
Cô Lê Thị Hạnh – giáo viên quản nhiệm kiêm giáo viên đứng lớp Trường Tư thục Hồng Đức cho biết: “Là một quản nhiệm, mình làm sao cho các em tin tưởng, coi mình là bạn, là chị thì các em mới chia sẻ, hợp tác. Cái khó là nếu mình làm căng quá học sinh không nghe, dễ dãi học sinh lại lờn, nói cũng không nghe”. Lứa tuổi học trò mưa nắng thất thường. Đã vậy, học trò nữ quả là “thế giới bí ẩn” đối với giáo viên quản nhiệm. Cô Hạnh tâm sự: “Học sinh nữ thắc mắc nhiều thứ lắm, từ tâm sinh lý, sức khỏe… Tại sao thế này, tại sao thế kia, tại sao đau bụng, tại sao nổi mụn… Có em nay “em đau đầu”, mai “em đau bụng cô ơi”… có em lại buồn vui thất thường, có em rất muốn chứng tỏ mình”. Thầy quản nhiệm trẻ N.V.C nói: Mình phải nắm rõ tâm lý từng đối tượng, với học sinh nhút nhát, hiền lành chỉ cần mình kêu lên nhắc nhở là nó đã… co vòi rồi, nếu xử phạt nặng khiến những em này chấn thương tâm lý. Đối với đứa lì lợm, nghịch ngợm cần có biện pháp cứng hơn. Tuy nhiên, có khi cứng rắn nó lại không chịu nhưng nhỏ nhẹ, vỗ về nó lại ưa, lại chịu nghe”.
Không chỉ nắm bắt được tâm lý tuổi teen, bên cạnh đó làm quản nhiệm còn phải có vốn kiến thức phong phú. Cô Hạnh cho biết: “Tôi học khối C nhưng vẫn phải giải toán, lý, hóa với các em. Có đêm cô trò cặm cụi giải bài, gặp bài khó phải giải nhiều lần. Giải xong cô trò cùng nhìn nhau cười”. Thầy N.V.C nói: “Tôi theo ban A, mấy môn văn, sử, địa hồi còn học sinh tôi cũng dở lắm. Khi còn sinh viên cứ nghĩ mình sau này đi dạy thì cũng chỉ dạy các môn khối A thôi. Ai ngờ làm quản nhiệm, mấy đứa cứ hỏi riết về kiến thức văn, sử, địa. Để cho chúng “tâm phục khẩu phục”, tôi phải mày mò tích lũy để “nổ” với chúng”. Thầy Nguyễn Văn Toản – Tổng quản nhiệm Trường Tư thục Hồng Đức hài hước: “Anh em tổ quản nhiệm chúng tôi nói vui, nghề này chứ lắm trò, diễn nhiều vai đấy. Khi học sinh vi phạm, quản nhiệm làm quan tòa xét xử. Khi các em đứng trước “vành móng ngựa” của ban giám hiệu, quản nhiệm là… luật sư bào chữa. Khi khảo bài các em, quản nhiệm là thầy cô. Khi các em đau ốm, quản nhiệm là bác sĩ, là phụ huynh. Khi các em thắc mắc chuyện yêu đương thì quản nhiệm là… chuyên viên tư vấn tình yêu”.
Nghề chọn… người!
Thầy N.V.C tâm sự: Trước đây tôi chưa hề nghĩ mình làm nghề này. Cũng mới nghe qua thôi chứ không biết cụ thể công việc của người quản nhiệm là gì. Ban đầu vào nghề cũng bỡ ngỡ lắm”. Cô Hạnh cũng cho biết: “Tôi học Ngành Văn học Trường ĐH KHXH&NV nên làm quản nhiệm ban đầu cũng gặp khó khăn. Hơn nữa, khi còn là SV tôi cũng chưa hề nghĩ mình sẽ làm nghề quản nhiệm, mới chỉ nghe qua nghề này thôi”. “Nỗi niềm” thầy quản nhiệm N.V.C khiến người nghe dở khóc dở cười: “Ra trường không xin được việc, nghe người quen giới thiệu mình đến xin làm quản nhiệm. Mình nhỏ con, ốm yếu nên học sinh nó không sợ. Lúc mới về trường, học sinh không biết mình là quản nhiệm, cứ tưởng là học sinh mới, từ trường khác chuyển tới”. Thầy Nguyễn Văn Toản nói: “Thú thực, tôi có thể chuyển sang rất nhiều ngành nghề khác nhưng tôi lỡ yêu nghề này rồi. Với chúng nó tôi cảm thấy mình không già. Có những người khi vào nghề không làm được, không yêu thích hay nặng về vấn đề kinh tế. Còn nhiều người vào nghề rồi là yêu nghề, không muốn bỏ”. Thầy quản nhiệm trẻ N.V.C tâm sự: “Mình cũng có nguyện vọng công tác ở nghề này thêm thời gian rồi xin trường chuyển sang đứng lớp giảng dạy. Nguyện vọng vậy thôi chứ thật ra khó lắm. Thôi, tới đâu hay tới đó vậy”.
Trường hợp cô T. từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM và làm giáo viên quản nhiệm cả chục năm vẫn chưa xin chuyển sang đứng lớp giảng dạy được. Cô tha thiết được đứng lớp dạy, vì theo cô “Mình phải đứng lớp dạy học sinh mới nể. Hơn nữa, khi chọn học ngành sư phạm là mình rất mê làm cô giáo, rất mê được đứng lớp. Nhìn bạn bè cùng khóa đã ổn định công việc giảng dạy lâu rồi nhưng mình vẫn long đong nghề quản nhiệm nên nhiều lúc tủi lắm”.
Công Việt
Khi học sinh vi phạm, quản nhiệm làm quan tòa xét xử. Khi các em đứng trước “vành móng ngựa” của ban giám hiệu, quản nhiệm là… luật sư bào chữa. Khi khảo bài các em, quản nhiệm là thầy cô. Khi các em đau ốm, quản nhiệm là bác sĩ, là phụ huynh. Khi các em thắc mắc chuyện yêu đương thì quản nhiệm là… chuyên viên tư vấn tình yêu”.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)