Sáng 22-1, tại Hội nghị sơ kết HKI năm học 2024-2025, Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận đã chính thức ra mắt ứng dụng Chăm sóc sức khỏe học sinh. Ứng dụng được triển khai thông qua trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu không chỉ đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đồng hành cùng nhà trường và phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe học sinh.
Đây cũng là công trình thi đua sáng tạo của ngành GD-ĐT quận Phú Nhuận chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Và trở thành địa phương đầu tiên tại TP.HCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe học sinh.
Theo bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, những năm qua, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và học sinh tại các trường học trên địa bàn quận đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, công tác chăm sóc sức khỏe học đường đối mặt với những thách thức mới. Thống kê hiện trạng sức khỏe học đường trên địa bàn còn học sinh thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thấp còi, các bệnh học đường, những vấn đề về tâm lí.
“Chương trình Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe học sinh được Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận xây dựng không chỉ hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, đồng hành cùng cơ sở giáo dục và phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe học sinh. Điểm nổi bật của hệ thống là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe học sinh, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cha mẹ học sinh, cơ sở y tế; từ đó mang đến những thay đổi tích cực trong chăm sóc sức khỏe học đường vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh” – bà Bình cho biết.
Theo bà, ứng dụng chăm sóc sức khỏe học sinh phiên bản 1.1 của Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận gồm có tài khoản quản trị trên nên tảng web dành cho 3 đối tượng sử dụng. Trong đó, đối với cán bộ quản lý Phòng GD-ĐT sẽ xem và thống kê được sức khỏe của bậc học mầm non, tiểu học và THCS.
Đối với nhân viên y tế, ban giám hiệu trường học: sẽ quản lý, đồng bộ nhập liệu hồ sơ, phân tích thống kê các chỉ số BMI, bệnh lý của trẻ theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện đánh giá và kết luận về sức khỏe của học sinh trong kỳ khám sức khỏe đầu năm; Thông tin về bảo hiểm y tế học sinh; Thực hiện tư vấn sức khỏe với AI; Thông tin liên kết tư vấn sức khỏe với các đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn quận.
Đối với phụ huynh học sinh: ứng dụng giúp theo dõi thường xuyên thông tin và kết luận về sức khỏe của học sinh trong kỳ khám sức khỏe đầu năm; Trải nghiệm công cụ tư vấn sức khỏe với AI; Liên hệ để vấn sức khỏe học sinh với các đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn quận.
Ở giai đoạn 1, Phòng GD-ĐT đã xây dựng được nền tảng của hệ thống với các tính năng quản trị hồ sơ sức khỏe học sinh, tích hợp bảo hiểm y tế, thống kê được tình hình sức khỏe học sinh và sử dụng chat box để tư vấn sức khỏe với AI căn cứ trên kết luận khám sức khỏe đầu năm của học sinh.
Ở giai đoạn tiếp theo, Phòng GD-ĐT quận sẽ phát triển Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích và đưa ra dự báo về sức khỏe học sinh; Đưa ra sự liên kết, tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa theo thực trạng sức khỏe, tinh thần của học sinh, từ đó tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, béo phì, tư vấn tâm lí học đường, vận động thể lực cho trẻ em ở tuổi học đường.
Box: Hiệu quả tích cực trong chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh
Theo bà Lê Thị Bình, từ tháng 10-2024, phần mềm Chăm sóc sức khỏe học sinh đã được Phòng GD-ĐT triển khai thử nghiệm tại 6 trường học trên địa bàn quận, gồm: Trường Mầm non Sơn Ca 10; Mầm non Sơn Ca 14; Tiểu học Cao Bá Quát; Tiểu học Vạn Tường; THCS Đào Duy Anh; THCS Trần Huy Liệu.
Phòng GD-ĐT đã tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế giúp đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế trường học sử dụng thành thạo ứng dụng và hướng dẫn phụ huynh sử dụng.
Bà phấn khởi cho biết, sau thời gian thử nghiệm, kết quả bước đầu đã ghi nhận những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý về chăm sóc sức khỏe đối với nhà trường và việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh đối với phụ huynh.
Cụ thể: Phần mềm đã được tích hợp với cổng thông tin điện tử ngành GD-ĐT, giúp tối ưu hóa khả năng tiếp cận và cung cấp thông tin. Phần mềm tạo cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tình trạng sức khỏe học sinh được cập nhật liên tục giúp cơ sở giáo dục, nhân viên y tế trường học, Phòng GD-ĐT quận có thể theo dõi, kiểm soát tình hình dịch bệnh (đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng) tại đơn vị, góp phần đưa ra các chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Ngoài ra, các dữ liệu về chỉ số BMI của học sinh cũng được chương trình phân tích, tính toán cẩn thận nhằm cung cấp gợi ý về chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất phù hợp, giúp học sinh phát triển toàn diện. Chương trình không chỉ nâng cao ý thức tự chăm sóc sức khỏe cho học sinh mà còn hiện đại hóa công tác quản lý sức khỏe học đường. Do đó, ứng dụng đã nhận được đánh giá và phản hồi tích cực của CMHS, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Phú Nhuận.
Yến Hoa
Bình luận (0)