Y tế - Văn hóaThư giãn

Quẩn quanh mùi Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Đi qua rất nhiều những vần vũ của tuổi, ngó như trơ khấc giữa những dịu dàng của năm tháng, bỗng một ban trưa cuối năm thấy lòng rạo rực, dịu dàng quá đỗi như những ngày đôi mươi dại khờ.

Trong cái chùng chình đáng ghét ấy, thấy nhớ quay quắt những năm tháng xưa, mùi Tết ẩm ương trong căn bếp tối. Mạng nhện giăng quanh 4 góc tường, mù hóng bám đem giữa quẩn quanh rơm rạ. Trong đó, mẹ sẽ tỉ mẩn ngồi đưa từng đốm lửa nấu nồi nước rau mùi thơm ngây ngất trong ngày cuối cùng của năm để “tẩy trần” năm cũ, mong cho một năm mới “thơm tho”. Có con bé nhỏ đen nhẻm đen nhèm, gầy nhỏng nhơ nhảy cà tưng hí hửng với thứ nước thơm “thần thánh”, mơ về một năm mới với áo ấm quần đẹp, áo cơm bớt nặng nề.

Mùi Tết còn ủ trong nồi bánh chưng mẹ nấu đêm 28, giữa cái rét mướt mưa phùn tháng chạp, lún mình trong ổ rơm và trông bánh, thấy ấm áp vô cùng. Nghe đêm xuân thì thầm trò chuyện với tiếng côn trùng tỉ tê, tiếng mưa phùn rả rích, tiếng thở đều đều của cô em gái. Nghe gió chướng đuổi năm trên nóc nhà, qua những tàu lá chuối. Vẩn vơ nghĩ về những năm tháng sau này và từng mong mình thôi lớn. Nồi bánh chín, sẽ có phần cho chị em nó là cặp bánh ú nhỏ, lá rong xanh rờn…

Mùi Tết thích nhất là những ngày chuẩn bị Tết. Đó là thứ mùi cuống cuồng, da diết, như thể ai cũng mong gói ghém những ngày còn sót lại. Cả năm mẹ lam lũ ngoài đồng, những ngày cận Tết, gác lại đồng áng mẹ sấp ngửa quẩy sạp hàng ra ngoài chợ bán từng mớ rau, mớ củ. Con bé nhỏ lại cong người đạp chiếc xe đạp mini cũ, cọc cạch cùng mẹ chở những bao su hào, bắp cải, súp lơ, rau mùi, hành, tỏi cao quá đầu… ra chợ từ tờ mờ sáng. Thị trấn nhỏ ngày ấy còn là một làng quê nhỏ, tiếng gà eo óc gáy, sỏi lẩy vào chân nghe đau buốt.

Những năm tháng ấy, mùi Tết còn là hàng cây bàng dọc hai bên đường những ngày cuối năm trơ khấc. Nhìn trong đêm tối tờ mờ, trông khẳng khiu, u ám, thê thiết buồn. Rồi những chiếc lá cuối cùng cũng sẽ rụng tan tác trong những ngày cuối cùng, trong đêm tối, mùi rét buốt và cái nghèo thêm quyện vào trong từng lớp áo mỏng manh, run rẩy.

Mùi Tết là mùi hy vọng, chưa bao giờ thôi hy vọng. Hy vọng về bộ quần áo mới với áo trắng quần xanh thay cho màu áo đã ngả vàng, gấu quần xoăn tít, hy vọng về đôi dép nhựa xanh đỏ thay cho đôi dép lê mòn vẹt. Hy vọng được xúng xính ngày đầu năm đi chúc Tết họ hàng.

Đi qua hết quãng thanh xuân, trong buổi ban trưa đếm những ngày cũ, nghĩ về mùi Tết xưa thấy như mình đã đánh rơi điều gì ngọt ngào lắm. Một buổi trưa thức dậy, ngó ra ngoài ban công nắng gắt gao trên đầu ngọn dừa, nghe nỗi buồn gặm nhấm từng đầu ngón tay. Vẫn những mùa như thế, đất trời vẫn vần vũ thế, cớ sao lòng người hoang hoải?

Mở những ô cửa nhỏ, nghe nhà bên vọng về giai điệu xuân nào lơi lả. Phải chăng cuộc sống là một hành trình mà nỗi buồn nối gót với niềm vui, song hành với thanh xuân không thể thiếu vết chân chim lạc loài nơi khóe mắt. Tách trà chiều chưa nhấp môi đã nguội mà hương vẫn tỏa, đọng mãi trong lòng người xa xứ. Không phải nỗi buồn nào cũng đáng buồn, có những nỗi buồn là cớ để vui, để đi tiếp, để không gục ngã. Và mùa xuân, và Tết là thứ nỗi buồi tươi mới, nỗi buồn quẩn quanh với mùi Tết cũ để hy vọng một năm mới tràn trề sức chiến đấu với cuộc sống này.

Hồi nhỏ, mùi Tết mơ về quần áo mới. Qua hết quãng thanh xuân, mùi Tết vẫn mơ về quần áo mới nhưng không còn là cho mình mà cho người, cho những yêu thương và cho khắp nhân gian.

Gió cuối năm vẫn thổi, mà không còn thổi trên những tàu lá chuối. Chúng đuổi nhau xô tuổi thêm một nhiều. Một năm qua, đã làm được gì đâu, tay vẫn trắng và lòng vẫn nặng, vẫn mệt nhoài với cơm áo, hư danh. Mà Sài Gòn vẫn cứ tình và bao dung, tưởng như chứa chở và vuốt ve hết thảy nỗi buồn nhân gian này. Và cả mùi Tết nữa, Sài Gòn vẫn cùng ta gói ghém, nhắc ta đừng thôi rạo rực để gánh gồng một năm mới yêu thương.

Đ Th Yến Hoa

 

Bình luận (0)