Trong khi ngành GD-ĐT đang xây dựng các tiêu chí hình thành “trường học thân thiện” thì lãnh vực kinh doanh văn hóa nhạy cảm đã nhanh chóng đi trước nhiều bước để xây dựng mạng lưới chân rết ở nơi môi trường cần sự trong sáng nhất.Và thật nghịch lý là các cơ quan chức năng lại dường như “không biết, không nghe, không thấy”… cái đập vào mắt mọi người. Do vậy, các trường học thường bị các hàng quán, điểm kinh doanh nhạy cảm “thập diện mai phục” xung quanh…
“Sống chung” với hàng quán...
Mùa nhập học 2008 – 2009, phụ huynh học sinh (PHHS) Trường THCS Trần Văn Ơn quận 1 TPHCM sửng sốt khi thấy trước cổng trường có nhà hàng Bốn Biển bề thế mọc lên thay thế quán cà phê “Lãng Mạn”.
Quán lộ thiên nên nhìn khá rõ hình ảnh bên trong, khói nướng bốc lên nghi ngút, các cô tiếp viên chân dài ân cần phục vụ khách. Vào giữa trưa, cuối giờ học buổi chiều, tiếng cụng ly “dzô, dzô!” làm thầy giáo ngừng giảng, còn học trò tò mò ngước mắt nhìn sang…
Trường học nằm trong mê cung hàng quán ở TPHCM khá phổ biến, không chỉ có một vài cửa hàng “tình cờ” kế cận trường mà còn là sự phát triển của cả hệ thống ăn – chơi – nhảy – múa khá hoành tráng. Khu cư xá Bắc Hải (quận 10 TPHCM) là một ví dụ điển hình, và nơi này cũng là khu tập trung nhiều trường học.
Trước cổng Trường THPT Nguyễn Du là billards Hải Sơn, tiệm internet, tiệm hớt tóc và quán nhậu nằm kề nhau. Dọc theo bên hông trường là vô số quán cà phê, quán nước; cách trường hơn 50m là một trung tâm đánh billards rất lớn.
Trường THCS Trần Phú có 2 mặt tiền chính thuộc đường Cửu Long và Bắc Hải. Đối diện đường Bắc Hải là vô số quán nhậu bê thui, thỏ 7 món… Đối diện cổng trường là vài quán cà phê, có các cô tiếp viên ăn mặc mát mẻ… như dạo biển. Thỉnh thoảng, mấy cô đứng trước quán ưỡn ẹo làm duyên với khách khiến không ít giáo viên, cô cậu học trò cấp 2 phải cúi mặt ngượng ngùng.
Ngược về quận 11, ngôi Trường Họa Mi 2 chỉ cách điểm nhậu bằng con đường Lý Thường Kiệt. Hai làng nướng đối diện ngôi trường mầm non này luôn ồn ào những âm thanh “của người lớn”. Càng ảnh hưởng đến trẻ, khi những cô tiếp thị cho các hãng bia luôn mặt váy ngắn lượn lờ trước quán. Đứng chờ con tại cổng, nhìn qua đường, chị Lam lắc đầu ngao ngán: “Không hiểu sao lại cho quán nhậu “mọc” ngay cửa trường học? Có hôm mấy ông nhậu xỉn rồi gây gổ, đánh nhau, tui phải chạy lẹ cho các cháu đừng nhìn thấy”.
Khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh) vốn nổi tiếng có nhiều quán nhậu bình dân, và càng nổi tiếng hơn với khu cà phê bờ sông dành cho “người lớn”. Xung quanh cụm Trường THCS Đống Đa, Trường THPT Thanh Đa có rất nhiều hàng quán nhậu, hàng ăn nức tiếng. Xuôi về khu trung tâm, nằm liền kề Trường Trung học thực hành Sài Gòn và Trường Tiểu học quốc tế Tân Việt Mỹ tọa lạc trên đường Trần Bình Trọng (quận 5) là quán ăn Con Cò.
Giơ cao, đánh khẽ
Trường học là một khu riêng được đặt trong môi trường thuận lợi cho giáo dục. Môi trường xung quanh không có tác động tiêu cực đối với việc giáo dục, giảng dạy, học tập và an toàn của giáo viên và học sinh. (Trích Điều 42, Điều 43 của Điều lệ trường tiểu học, trường trung học) |
Ăn chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng đi kèm với nó là nhậu và tiếp thị bia, vì vậy những gương mặt đỏ ngầu, những tiếng cụng ly rôm rả… trở thành “chuyện lạ” đối với không ít học sinh vào giờ tan trường, các cô cậu học trò phổ thông cũng “len lén nhìn vào để xem chuyện gì đang diễn ra bên trong ấy”. Trường học bị quán cà phê, billards bao vây nên còn nỗi lo học trò mê chơi “cúp tiết”.
Một thầy giáo của Trường THCS Trần Phú cho biết: “Trường tọa lạc ở khu vực khá phức tạp. Những quán bar, cà phê sân vườn… mọc đầy rẫy quanh khu vực trường khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong quản lý học sinh”.
Ông Đồng Duy Toại, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nói: “Công an có làm việc với những quán nước ở lề đường, yêu cầu họ phải đưa vào trong nhà nhưng chỉ được vài lần, rồi “đâu lại vào đấy”. Các tiệm billdards, internet xung quanh trường phải cam kết không lợi dụng chuyện giải trí thành cờ bạc, công an và giám thị của trường tăng cường kiểm tra nên mấy năm gần đây không còn tình trạng học sinh trốn học”.
Tuy nhiên, theo ông hiệu trưởng, không thể kiểm tra trường xuyên, do vậy, trường luôn phải siết chặt kỷ luật và khuyên PHHS có điều kiện nên nhín chút thời gian… đưa rước con em. Việc đưa rước tận nơi chỉ ngăn không cho con em “đi lung tung” nhưng không thể cấm học sinh không được nhìn. Ngay chính PHHS cũng xốn con mắt và phải hành động để giữ gìn sự trong sáng cho con em.
Bà Đoàn Thị Thủy Tiên, trong Ban đại diện CMHS Trường THCS Trần Văn Ơn, Phó Chủ tịch MTTQ quận 1, bức xúc: “PHHS có làm đơn kiến nghị gửi chính quyền về hoạt động của quán Bốn Biển gây cảnh kẹt xe, ồn ào, tác động không tốt đến học sinh, song phản ánh vẫn là phản ánh. Doanh nghiệp được cấp phép theo Luật Doanh nghiệp, không có căn cứ để thu hồi giấy phép kinh doanh theo đề nghị của PHHS, ngoại trừ biên bản xử phạt hành chính vì lý do… “lấn chiếm” lề đường”.
Chúng ta hô hào khẩu hiệu dành những gì tốt đẹp nhất cho giáo dục, cho con em – tương lai nước nhà nhưng lại thả nổi môi trường xung quanh trường học. Hiệu trưởng các trường than, khi đại diện nhà trường đến các cơ sở kinh doanh nhạy cảm yêu cầu sự hợp tác, nếu không có đại diện công an đi cùng là bị chửi và đuổi về, vì dám làm ảnh hưởng đến “nồi cơm”. Không ai thèm đếm xỉa gì đến những quy định của Chính phủ là đảm bảo môi trường an toàn, thuận lợi cho ngành GD-ĐT.
Trong Nghị định 11 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18-1-2006 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có quy định: các loại hình nhạy cảm như phòng khiêu vũ, địa điểm hoạt động karaoke, cửa hàng trò chơi điện tử… phải cách trường học từ 200m trở lên; đảm bảo trật tự, an toàn trường học. |
Doanh Doanh – Tiêu Hà (sggp)
Bình luận (0)