Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giải đáp thắc mắc về ngành quản trị khách sạn cho học sinh trong một chương trình tư vấn tuyển sinh do BáoGiáo dục TP.HCM tổ chức
|
Ngành du lịch Việt đang phát triển mạnh, kéo theo đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm đòi hỏi một lực lượng lao động đông đảo. Vậy nhưng, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn vẫn “đỏ mắt” tìm việc làm.
Giáo dục TP.HCM trích đăng ý kiến của đại diện một số cơ sở đào tạo và các chuyên gia trong ngành về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này cũng như giải pháp khắc phục giúp sinh viên tốt nghiệp sớm tìm được việc làm.
ThS. Nguyễn Hữu Công (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Du lịch Sài Gòn):
Học đúng thực lực dễ kiếm việc làm
Các em không nên nghĩ học ngành quản trị khách sạn ra trường là làm quản lý mà cần phải đi từ những bước thấp nhất rồi mới tiến lên. Mới tốt nghiệp, các em có thể được phân công làm ở bộ phận lễ tân, buồng, phòng… nên phải biết phục vụ bữa ăn như thế nào, giao tiếp với khách hàng ra sao… Từ những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt này sẽ giúp các em tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm để khi lên làm quản lý, có thể quản lý được nhân viên ở tất cả các bộ phận cũng như cách giao tiếp, lập kế hoạch kinh doanh như thế nào nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, cơ hội việc làm có đến với các em hay không phụ thuộc rất lớn vào việc nắm bắt kỹ năng nghề nghiệp, quyết tâm đầu tư việc học của các em. Bên cạnh đó, đối với học sinh khi lựa chọn ngành này cũng như nhiều ngành khác cần chú ý đến năng lực học tập của mình, nếu có lực học tốt các em nên thi vào CĐ, ĐH; còn học lực ở mức trung bình thì nên sẵn sàng vào TCCN. Nếu học đúng thực lực của mình, các em sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức lý thuyết cũng như thực hành, như thế khi xin việc sẽ thuận lợi hơn.
Cô Nguyễn Thị Hồng Huế (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt):
Tăng cường rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Quản trị khách sạn là một khối ngành phục vụ. Khi học tập tại trường, các em sẽ được đào tạo để làm việc ở nhiều bộ phận như lễ tân, phục vụ bàn, phục vụ buồng, phục vụ bar… Vì vậy, trong quá trình học, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc thì sinh viên cần tự rèn luyện cho mình kỹ năng thực hành nghề tốt, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Hiện nay, hầu hết các trường đào tạo lĩnh vực này đều có mối liên kết với các nhà hàng, khách sạn để các em có thể đến thực tập, trau dồi nghề nghiệp. Riêng Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt cũng đã liên kết với nhiều nhà hàng 4 sao, 5 sao và nhà hàng riêng của mình trên địa bàn thành phố để tạo nhiều cơ hội cho các em đến thực tập. Một số em trong quá trình thực tập đã học hỏi được nhiều kỹ năng và được doanh nghiệp giữ lại sau khi ra trường.
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM):
Năng lực ngoại ngữ là yêu cầu cần thiết
Thị trường lao động TP.HCM phát triển tương đối ổn định và có xu hướng tăng trưởng chỗ làm việc, từ nay đến năm 2020, bình quân có khoảng 270 ngàn chỗ làm việc/năm. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam hiện nay lại tồn tại một nghịch lý là vừa thừa, vừa thiếu; trong đó có cả nhóm ngành dịch vụ. Hiện TP.HCM đang phát triển mạnh về ngành du lịch, nhiều khách sạn, nhà hàng theo tiêu chuẩn quốc tế được hình thành, nhu cầu tìm việc rất cao nhưng nhà tuyển dụng lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề này là người lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu kỹ năng mềm, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Đến năm 2015, thị trường lao động Việt Nam sẽ hội nhập với thị trường lao động các nước ASEAN, khi đó người lao động ở những nước này dễ dàng sang nước ta làm việc và ngược lại. Nếu không trang bị vốn ngoại ngữ lưu loát, chắc chắn lao động nước ta sẽ khó cạnh tranh với lao động nước ngoài.
Bài, ảnh: Minh Châu
Vừa học vừa làm sẽ có nhiều kỹ năng
Những năm làm giám đốc marketing ở một hệ thống resort, chúng tôi vẫn tuyển một số lao động đang học tại các trường TC và CĐ làm bán thời gian ở vị trí phục vụ. Với những em này, khi ra trường sẽ có kỹ năng nghề nghiệp, khả năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng cũng như kỹ năng tổ chức tốt hơn các em không đi làm. Còn đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH, khi nhà tuyển dụng yêu cầu họ làm công việc phục vụ thì rất nhiều người không chấp nhận vì cho rằng vị trí này là quá thấp so với yêu cầu của mình. Thực tế, đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thì nhà tuyển dụng không yêu cầu quá khắt khe về trình độ của người lao động nhưng với xu thế hội nhập như hiện nay, họ cần có vốn ngoại ngữ, nhanh nhẹn, ngoại hình dễ nhìn… Trong khi đó, sinh viên hiện được dạy rất nhiều kiến thức nhưng ra trường làm việc lại khá mơ hồ, kỹ năng ngoại ngữ chỉ ở mức trung bình, còn kỹ năng nghề nghiệp thì hạn chế, không có kinh nghiệm – một quản lý (từng phụ trách bộ phận marketing hệ thống resort Pegasus) cho biết.
|
Bình luận (0)