Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Quần vợt Trung Quốc: Siêu cường hay Hổ giấy?

Tạp Chí Giáo Dục

Zheng Jie hạng 25 thế giới  nhưng TQ chưa thể có cú “big bang”

Những năm đầu thập niên 1990, hai tay vợt nữ thiếu niên Trung Quốc là Li Fang và Chen Li đến Mỹ để tập với HLV Dennis Van der Meer. Li và Chen đều không có nhà tài trợ lẫn nhà tài trợ trang phục. “Họ chả có gì đem theo”, Pat, vợ của HLV này nhớ lại, “Chính tôi phải đi mua đôi giày mới cho Chen vì nó mòn xơ xác khiến chân cô ấy bị chảy máu.”

Li sau đó vươn đến vị trí 36 thế giới, nhưng cô đã bật khóc khi để thua Mary Pierce với 2 séc trắng (0-6, 0-6) trong vòng đầu tiên ở giải Australian 1998. Từ đó đến nay là 10 năm, quần vợt Trung Quốc đã khác. Họ đã có HCV Olympic và các giải Grand Slam đánh đôi. Các ngôi sao hiện thời như Li Na và Zheng Jie có thể kiếm 2 triệu USD mỗi năm từ tiền quảng cáo.

Đó là dấu hiệu cho thấy quần vợt Trung Quốc đi lên. Dấu hiệu khác là các nhà tổ chức ATP mang giải Masters Cup về Thượng Hải trong 3 năm liên tiếp rồi các giải đấu ở Bắc Kinh, Quảng Châu thu hút nhiều tay vợt hàng đầu đến thi đấu.

Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ rộng lớn và liên tục phát triển trong các năm qua, việc các nhà tổ chức tìm đến đây là điều đương nhiên. Nhưng điều mà họ tìm kiếm là một cú “big bang” thì… chưa thấy.

Theo Hiệp hội quần vợt Trung Quốc (CTA), quần vợt hiện nay là môn thể thao đại chúng thứ 5 sau bóng bàn, cầu lông, bóng rổ và bóng đá nhưng trên cả nước Trung Quốc hiện nay mới có 6 triệu người chơi quần vợt, chiếm 0,5% dân số.

Theo Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA), hiện tại có 25,1 triệu người Mỹ chơi quần vợt, chiếm 8,3% dân số Mỹ. Nếu Trung Quốc cũng đạt tỷ lệ 8,3% này thì họ sẽ có 110 triệu người, khi đó các hãng Wilson, Prince, Head, Nike mới bán đồ chơi quần vợt “sướng tay”.

Tại sao cú “big bang” chưa xảy ra? Vì Trung Quốc chưa có một ngôi sao nào cỡ Yao Ming của bóng rổ để có thể đẩy quần vợt phát triển hơn nữa. Họ chỉ có 3 tay vợt trong tốp 100 đơn nữ thế giới là: Li Na (xếp thứ 23), Zheng Jie (25), Peng Shuai (40). Và họ không có tay vợt nam nào nằm trong tốp 400. Không ngôi sao, không thần tượng, không thành tích ấn tượng, làm sao có thể phát triển mạnh?

Trước khi giành quyền đăng cai Olympic 2008 (vào năm 2001), các tay vợt Trung Quốc tự túc ra nước ngoài tìm thầy tập. Sau năm 2001, CTA bắt đầu đầu tư hơn vào quần vợt với việc mời nhiều chuyên gia nổi tiếng đến Trung Quốc để huấn luyện các tay vợt tại chỗ.

Nhưng kiểu “luyện gà” này không phù hợp với quần vợt Trung Quốc. Các môn thể thao khác như bóng bàn, cầu lông, có thể đóng cửa luyện quân được vì 7/10 VĐV xuất sắc nhất thế giới là của họ. Còn quần vợt là không thể bởi kinh nghiệm ở các nước là VĐV muốn chơi tốt thì phải tham gia nhiều giải đấu. Tại Mỹ, hầu như tuần nào cũng có vài giải đấu thiếu niên. Trung Quốc chưa phát triển đến mức đó. Ngoài ra, CTA còn mắc sai lầm trong chiến lược phát triển.

Người phương Tây đã từng kỳ vọng làm một cú “big bang” trong quần vợt ở Nhật Bản vào thập kỷ 80 nhưng họ thất bại. Quần vợt Trung Quốc khả năng đi theo đường rơi tự do của Nhật Bản, chứ không trở thành siêu cường như nước Nga.

Đinh Hiệp (theo thanhnien)

Bình luận (0)