Dù nhiều doanh nghiệp chưa được cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe container, nhưng không ít “hung thần” đang chạy rầm rập ở các tỉnh, thành phố phía Nam.
Xe container gây tai nạn trên cầu vượt ngã ba Cát Lái (TPHCM). Ảnh: LT. |
Xe nhiều, quản ít
Bộ GTVT vừa hoàn thành công tác thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo kết quả thanh tra vừa được công bố, tính đến tháng 7, Sở GTVT TPHCM mới cấp phép 98 doanh nghiệp (DN) với 1.016 xe container kinh doanh vận tải. Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan đăng kiểm, TPHCM có trên 1.700 DN đang hoạt động với 8.211 xe.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT TPHCM kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý, thiếu đôn đốc, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bằng container.
18 giờ 30 tối 25/8, không thấy cảnh sát giao thông, ba chiếc xe container loại 40 feet từ đường Mai Chí Thọ (quận 2, TPHCM) vượt đèn đỏ, rầm rập qua cầu Rạch Chiếc khiến nhiều người đi xe máy trên xa lộ Hà Nội thắng gấp.
|
Tỉnh Bình Dương hiện có 35 đơn vị kinh doanh vận tải container, nhưng chỉ có 7 doanh nghiệp được cấp phép (đạt 20%). Tại tỉnh BR-VT, kiểm tra 5/19 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải bằng container cho thấy chỉ có một đơn vị có giấy phép. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Đăng kiểm, BR-VT có 82 đơn vị kinh doanh vận tải bằng container.
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho biết, số DN có giấy phép của Sở GTVT TPHCM ước đạt 10-20%. Theo kết quả kiểm tra của Bộ GTVT, đơn vị có giấy phép hầu hết là thành viên Hiệp hội. Hiệp hội yêu cầu các thành viên xin cấp phép từ năm 2009, đến nay đã đạt tỷ lệ hơn 80%.
“Giấy phép kinh doanh do Bộ GTVT quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn, nhưng đến thời điểm này chưa đạt hiệu quả về mặt quản lý. Nhiều tiêu chí, như bằng cấp, kho tàng, bến bãi đậu xe… nặng về hình thức, DN vẫn lách được. Đơn cử, cha con, anh em làm với nhau thì không cần bằng cấp. Nếu kiểm tra thì họ mượn người có bằng để đối phó, thậm chí sẵn sàng nộp phạt bởi mức phạt chỉ vài triệu đồng”, ông Chung nói.
Lỗ hổng quản lý
Ông Chung cho rằng, nếu quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe container phải có giấy phép, có giấy phép mới được phép hoạt động thì khác, đằng này giấy phép của Sở GTVT thực chất chỉ là giấy phép con đi sau giấy phép kinh doanh do Sở KHĐT cấp. Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT một tỉnh (đề nghị không nêu tên) cho rằng, việc nhiều DN kinh doanh vận tải xe container chưa có giấy phép, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT.
Vị lãnh đạo này lý giải: Quy định DN kinh doanh vận tải bằng xe container phải xin phép kinh doanh có từ tháng 9/2009, lúc ấy chưa quy định xe phải có phù hiệu, sau này mới bổ sung. Việc thực hiện cần phải có lộ trình, thông tư hướng dẫn, nhưng đến thời điểm Bộ GTVT thanh tra, thông tư hướng dẫn vẫn chưa có. Đến ngày 1/10, các địa phương phải có phù hiệu cấp cho DN, song đến nay, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) vẫn chưa giao xuống.
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM, nhiều DN kinh doanh vận tải bằng xe container ngoài vùng phủ sóng của các cơ quan quản lý. Sở KHĐT cấp giấy chứng nhận kinh doanh, nhưng lại không phân biệt DN nào kinh doanh vận tải xe container, nên không xác định được có bao nhiêu DN.
“Liên hệ Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt (Công an TPHCM) mới biết bộ phận làm thủ tục đăng ký phương tiện cũng không tách riêng loại phương tiện đầu kéo container mà gộp chung với các loại xe chuyên dùng khác nên có bao nhiêu DN, bao nhiêu xe container đang hoạt động kinh doanh vận tải, Sở GTVT không nắm được. Chỉ khi nào triển khai cấp phù hiệu, xe nào ra đường không có sẽ bị xử lý. Và, Thanh tra Sở xuống thanh tra, kiểm tra mới rõ DN có giấy phép không, bao nhiêu phương tiện đăng ký, chưa đăng ký…” – ông Việt nói
Theo ông Việt, quy định hiện nay chỉ bắt buộc DN xin giấy phép của Sở GTVT nếu xe container tham gia hoạt động kinh doanh vận tải; với xe container vận chuyển hàng hóa nội bộ trong cảng, DN (không kinh doanh vận tải) thì không cần xin cấp phép, không dán phù hiệu và không bắt buộc gắn thiết bị giám sát hành trình. Đây là một lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước, ông nói.
“Sắp tới, Bộ GTVT cần quy định tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng container (dù kinh doanh hay không kinh doanh) phải đăng ký kinh doanh, phải có phù hiệu thì mới quản lý được”, ông Việt kiến nghị.
Xe container gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng
– Ngày 7/11/2011, tại thôn 3 (Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), xe container biển số 79N 2133 đâm hai xe khách, làm 10 người chết, 22 người bị thương.
– Ngày 3/4, xe container đến ngã tư Bình Thái (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) bị mất phanh, đâm vào 8 xe máy và 3 ô tô đang chờ đèn đỏ, làm hơn chục người bị thương.
Theo TPO
Bình luận (0)