Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quảng bá điện ảnh bằng phim hoạt hình

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án điện ảnh "Công tử Bạc Liêu" đã ra mắt khán giả video clip quảng bá độc đáo theo hình thức hoạt hình "stop-motion" (hoạt hình tĩnh vật).

Đây là một kỹ thuật làm phim hoạt hình mà các mô hình nhân vật được dựng lên theo từng động tác, sau đó được chụp hình lại các động tác riêng đó ráp thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Mỗi khung ảnh là một động tác riêng và khi ráp lại một cách liên tục tạo cảm giác như các nhân vật thực sự chuyển động.

Những mô hình bằng đất sét hoặc silicon với các khớp nối di động thường được sử dụng làm nhân vật trong phim. Theo nhà sản xuất Giang Hồ, ê-kíp thực hiện phim ngắn hoạt hình đã chọn thời điểm từ khi nhân vật Trần Trinh Huy (còn gọi là Ba Huy) bắt đầu nổi danh ăn chơi khét tiếng Nam Kỳ lục tỉnh với sự kiện "đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu".

Chuyện phim mô tả sự kiện nhân vật Ba Huy về nước sau chuyến du học với tạo hình âu phục đắt tiền, dinh thự lộng lẫy, bóng hồng bao quanh và tiền bạc bao la. Nhịp phim tăng dần khi ám ảnh về sự chi phối của đồng tiền luôn bủa vây Ba Huy khiến ông mất đi định hướng, rơi vào khoảng không, đối diện chính mình, tự đặt câu hỏi về những việc từng làm, những người từng đi qua.

Quảng bá điện ảnh bằng phim hoạt hình - Ảnh 1.

Cảnh trong phim ngắn hoạt hình “Công tử Bạc Liêu”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Chỉ dài 2 phút 20 giây, phim ngắn hoạt hình được đầu tư tỉ mỉ, cấu trúc nhà và nội thất đều được ê-kíp thiết kế tỉ mỉ theo thực tế căn nhà của nhân vật tại tỉnh Bạc Liêu. Mỗi vật dụng nhỏ đều mất trung bình một ngày thực hiện và có những món đồ quá nhiều chi tiết phải tốn đến 2-3 ngày chế tác để bảo đảm tính chân thực.

Để hoàn thành mô hình nhân vật, ê-kíp cũng mất nửa tháng để có đường nét, cái hồn gần với nhân vật nhất, các nghệ nhân phải dành nhiều ngày để hoàn thành từng bộ phận nhỏ, chưa kể phần thiết bị hỗ trợ chuyển động. Vì có nhiều công đoạn tỉ mỉ, mất thời gian thực hiện, việc quay dựng cũng không hề đơn giản nên một khung hình dài 2 giây trong phim ngắn có thể mất đến 2 giờ để sản xuất.

Hiện tại, dự án "Công tử Bạc Liêu" do Lý Minh Thắng đạo diễn, Xưởng phim Màu Hồng sản xuất, đang ở giai đoạn tìm kiếm diễn viên phù hợp với các vai diễn trong phim. Tuy nhiên, việc quảng bá tâm huyết với các hình thức khác nhau ngay giai đoạn đầu giúp dự án tạo được sức hút, mong chờ từ khán giả. Nhiều cư dân mạng khen ngợi, chia sẻ mong được thưởng thức tác phẩm điện ảnh dưới phim ngắn hoạt hình khi tác phẩm đăng tải trên nền tảng YouTube.

"Công tử Bạc Liêu" không phải tác phẩm đầu tiên sử dụng phim ngắn hoạt hình để quảng bá nhân vật trong phim. Trước đó, dự án điện ảnh "Trưng Vương" do Janet Ngô cùng Trương Ngọc Ánh đồng sản xuất cũng đã tung ra một loạt phim hoạt hình ngắn về các nữ tướng dưới trướng Hai Bà Trưng như Ả Chạ, Bát Nàn, Thánh Thiên, Lê Chân… Các tập phim đều có hình vẽ sắc nét, hiệu ứng âm thanh tốt, nên phim nhận nhiều lời khen ngợi từ khán giả.

Với cách quảng bá giai đoạn đầu thông qua các phim ngắn hoạt hình, dự án điện ảnh tăng độ nhận diện, thu hút được một lượng khán giả quan tâm, chú ý. Nó cũng góp phần quan trọng trong việc nhắc nhở về dự án, kích thích sự tò mò, mong chờ.

Trong thời điểm có rất nhiều tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước cạnh tranh tại rạp, hoạt động quảng bá càng đa dạng, độc đáo sẽ càng tạo được sức hút, nắm được thắng lợi ban đầu khi phim ra rạp. Sự quảng bá bài bản ngay từ đầu này cũng cho thấy tâm huyết đầu tư từ phía nhà sản xuất, thêm niềm tin từ công chúng.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Bình luận (0)