Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quảng bá du lịch hiệu quả qua game show

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều game show đã và đang chuẩn bị ra mắt, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh du lịch Việt Nam. Tuy nhiên các nhà sản xuất đang gặp khó khăn ngày càng nhiều hơn.

Đất nước, con người Việt Nam qua game show 

The journey – Chuyến đi nhớ đời sẽ lên sóng HTV7 giữa tháng Bảy. Chương trình gồm ba đội chơi, thi đấu qua nhiều trò chơi cả vận động lẫn trí tuệ. Đặc biệt, chương trình đi qua sáu tỉnh ở duyên hải Nam Trung bộ, nơi có cung đường biển đẹp của Việt Nam. 

  VietNam Why Not ghi hình mùa 1 tại Huế năm 2020

VietNam Why Not ghi hình mùa 1 tại Huế năm 2020

Uni Media cũng chuẩn bị sản xuất VietNam Why Not – Đi Việt Nam đi mùa 2. Mỗi tập, ba đội chơi di chuyển đến những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Các thử thách thường gắn liền với những tập tính sinh hoạt, văn hóa địa phương… của điểm đến.

2 ngày 1 đêm, game show mua bản quyền từ Hàn Quốc dự kiến phát sóng từ ngày 19/6 trên HTV7. Cuộc thi là hành trình của sáu chàng trai đến những vùng đất mới lạ. Chương trình sẽ đi đến tám tỉnh, thành trên cả nước, đồng thời quảng bá cảnh đẹp, góp phần phát triển du lịch nước nhà. 

Qua mỗi tập của Thực khách vui vẻ, khán giả lại được biết thêm nhiều địa danh thú vị, món ngon đặc trưng, thói quen sinh hoạt, nuôi trồng… của nhiều địa phương cả nước. Ngoài những địa danh nổi tiếng, chương trình cũng chú ý đến những nơi có cảnh đẹp, nhưng chưa được khai thác nhiều như: đầm Lập An (Thừa Thiên – Huế), thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ, TP.HCM)… Ba MC có nhiều màn giao lưu, tương tác với người dân địa phương, làm nổi bật sự thân thiện, chất phác của họ. 

Một game show khác không thể không nhắc đến là Running man phiên bản Việt. Dẫu tập trung khai thác các trò chơi vận động, nhưng những điểm đến du lịch, resort đẹp, nổi tiếng, món ngon đặc sản vùng miền… là những điều hấp dẫn được mang đến trong chương trình. 

Hình ảnh trong show The Journey - Chuyến đi nhớ đời

Hình ảnh trong show The Journey – Chuyến đi nhớ đời

Khó khăn sau những khung hình đẹp

Việc quảng bá du lịch qua game show là một trong những cách làm hiệu quả. Bên cạnh việc phát sóng trên truyền hình, hiện các đơn vị đều phát lại trên YouTube, hoặc ứng dụng do chính nhà sản xuất (NSX) phát triển riêng. Mỗi tập phát sóng trên nền tảng số của nhiều chương trình đạt từ vài triệu đến chục triệu lượt xem. Điều này giúp hình ảnh của những điểm đến càng được quảng bá rộng rãi. Vì thế, không phải không có lý do để Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng với Uni Media sản xuất VietNam Why Not. Các địa phương cũng nhiệt tình hỗ trợ các NSX để hoàn thành việc ghi hình. 

Tại Hàn Quốc, bản gốc của 2 ngày 1 đêm đã đạt được hơn 50 giải thưởng, tiêu biểu là bảy lần giành giải Daesang, được khen thưởng cấp quốc gia vì có những đóng góp tích cực vào ngành du lịch nước nhà.

Yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong các chương trình, bên cạnh cảnh đẹp. Vì thế, hầu hết các nhân vật được lựa chọn tham gia đều là người nổi tiếng, có khiếu hài hước và sức ảnh hưởng. Tìm nhân vật đáp ứng đủ tiêu chí của chương trình không dễ. Đa phần sự lựa chọn vẫn xoay quanh những gương mặt quen thuộc như: Trường Giang, Ngô Kiến Huy, Võ Hoàng Yến, Lê Dương Bảo Lâm, Lynk Lee… Tìm cách “đổi vị” cho khán giả là điều khó.

VietNam Why Not mùa 1 ghi hình tại Ninh Bình

VietNam Why Not mùa 1 ghi hình tại Ninh Bình

Theo các NSX, khó khăn nhất là sắp xếp thời gian để nghệ sĩ có thể tham gia đầy đủ. Không giống chương trình ở trường quay, ngoài yếu tố hài hước, còn đòi hỏi họ phải có sức khỏe tốt, độ bền để theo được lịch trình di chuyển liên tục, điều kiện thời tiết thay đổi. 

Ông Bửu Điền (CEO Điền Quân Media) – đại diện NSX Chuyến đi nhớ đời – cho biết: “Format chương trình đã được chúng tôi lên ý tưởng cách đây khá lâu. Trong giai đoạn du lịch đang phục hồi, tôi nghĩ không thời điểm nào thích hợp hơn hiện tại để thực hiện. Chúng tôi mong muốn ngoài yếu tố giải trí, có thể giúp hình ảnh một số địa phương đến gần với khách du lịch, thu hút khách quốc tế trở lại. Du lịch là ngành công nghiệp không khói có ý nghĩa lớn với quốc gia nên cần được quan tâm”.

Dù mỗi tập phát sóng chỉ trải qua ba đến bốn thử thách, nhưng ê-kíp phải chuẩn bị dự phòng đến vài trăm trò chơi. Kịch bản thay đổi liên tục do địa hình và nhiều nhân tố khác tác động, khiến kế hoạch ban đầu không, hoặc khó thực hiện. 
Ngoài những điều trên, ông Trần Việt Bảo Hoàng (CEO Uni Media) cho biết thời tiết cũng là một trong những trở ngại lớn với NSX. 

“Trong mùa trước, sau khi ghi hình tại Đà Lạt, chúng tôi cần di chuyển đến Nha Trang, nhưng bất ngờ bão đến. Vì thế, lịch trình, nội dung phải thay đổi nhanh chóng. Có những địa điểm đến nhưng không ghi hình được do thời gian, thời tiết nên thường phát sinh thêm điểm đến mới vào giờ chót. Ê-kíp phải luôn làm việc trong tâm thế linh hoạt để thích nghi”, ông Hoàng chia sẻ. 

Việc sản xuất show ngoài trời có nhiều áp lực so với những chương trình được ghi hình ở trường quay, với máy móc, ánh sáng, thiết bị cố định. Ê-kíp của Chuyến đi nhớ đời lên đến 150 người, di chuyển liên tục trong 17 ngày. Hơn 40 xe tải chở thiết bị, chăm lo hậu cần. Những chương trình tổ chức ngoài trời như vậy đòi hỏi kinh phí rất cao, khiến NSX chịu nhiều áp lực, đặc biệt trong khâu huy động, xin tài trợ. Sau dịch bệnh, nhiều NSX chọn thu hẹp quy mô sản xuất vì kinh phí có hạn, khó xin tài trợ hơn trước. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)