Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quảng bá sách trên TikTok: Tại sao không?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành sách không đứng ngoài sự vận động, phát triển và ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội. YouTube, Instagram, Facebook và gần đây nhất là TikTok đều đã được tận dụng để quảng bá, giới thiệu sách, tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc.

Không thể nằm ngoài xu hướng

Theo số liệu thống kê từ Datareportal (trang tổng hợp và cung cấp miễn phí các báo cáo Digital Marketing trên toàn thế giới), tại Việt Nam hiện có hơn 76 triệu người sử dụng mạng xã hội và các nền tảng (hơn 70 triệu người dùng Facebook, hơn 62 triệu người dùng YouTube, 11 triệu người sử dụng Instagram và gần 40 triệu người dùng TikTok). Số liệu được công bố trên các nguồn quảng cáo của ByteDance cũng cho thấy lượng người dùng TikTok như trên là từ 18 tuổi trở lên.

Nhà xuất bản Kim Đồng đang tích cực quảng bá sách trên các kênh TikTok,  tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc

Nhà xuất bản Kim Đồng đang tích cực quảng bá sách trên các kênh TikTok, tiếp cận nhiều đối tượng bạn đọc

Phổ biến và phát huy hiệu quả trong việc truyền thông sách qua mạng xã hội phải kể đến Facebook, còn YouTube được sử dụng nhiều hơn trong việc thực hiện book trailer hoặc video/audiobook. Quảng bá sách qua TikTok chỉ mới được một số đơn vị làm sách, nhà xuất bản tận dụng gần đây nhưng bước đầu đã có hiệu quả tích cực. 

Một trong những kênh TikTok thường xuyên có các clip “review” sách gây chú ý là Người Trẻ Việt, với các tựa sách của AZ Việt Nam phát hành. Bằng những đoạn clip ngắn quay trang sách có chứa nội dung ấn tượng hoặc lồng giọng đọc những câu văn hay, kênh Người Trẻ Việt đã giới thiệu nhiều tựa sách hướng đến bạn trẻ: Cuộc đời ngắn lắm đừng ôm muộn phiền, Chữa lành nỗi đau đằng sau tan vỡ

Nhà xuất bản Kim Đồng cũng có 2 kênh TikTok “Nhà xuất bản Kim Đồng” và “Kim Đồng Kids” vừa được lập từ tháng Ba năm nay. Bên cạnh đó, 2 nick “Kim Đồng Comic” và “Wingsbook” cũng đang được phát triển song song để phục vụ từng đối tượng bạn đọc. Đơn vị đặt mục tiêu đến tháng 11/2023 sẽ hoàn tất thủ tục và được cấp tick xanh cho kênh. Hiện tại, kênh TikTok “Nhà xuất bản Kim Đồng” có hơn 14.000 người theo dõi.

Hiệu quả không ngờ của việc lan tỏa sách trên nền tảng này có thể được nhìn thấy từ hashtag “Book Tok” xuất hiện trên nền tảng TikTok từ năm 2020, trong giai đoạn dịch bệnh. Book Tok nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu sách khắp thế giới, cùng chia sẻ những clip giới thiệu sách ngắn và đăng tải trên nền tảng TikTok, kèm theo hashtag Book Tok.

Sức ảnh hưởng của Book Tok từng được The Guardian gọi là “sự trỗi dậy”, góp phần đưa nhiều tựa sách lên vị trí chú ý hàng đầu, làm tăng doanh thu cho nhà xuất bản và thậm chí là làm thay đổi ngành công nghiệp xuất bản.

Mới đây, đơn vị cũng thu hút người dùng bằng cuộc thi review sách trên TikTok. Cuối tháng 2/2023, Nhà xuất bản Trẻ cũng lập kênh TikTok, hiện đã thu hút 2.500 người theo dõi, với hơn 74.000 lượt xem (cho 9 clip đăng tải). Kênh “TikTok Shop” của Nhà xuất bản Trẻ cũng thành lập vào đầu tháng Ba. TikTok cũng là nền tảng hướng đến trong tương lai gần của Đường sách TPHCM, sau YouTube và Facebook. 

Chị Võ Thiên Hương – đại diện truyền thông Nhà xuất bản Kim Đồng, chi nhánh TPHCM – cho biết: “Ý tưởng lập kênh TikTok bắt đầu từ giai đoạn dịch bệnh. Lúc đó chúng tôi đã quay các clip sách post lên kênh vì nhận thấy đây là cách tiếp cận độc giả phổ quát và dễ dàng, cũng không hề tốn kém”. Chỉ cách đây 1 năm, khi được hỏi về việc quảng bá sách trên nền tảng TikTok, nhiều ý kiến cho rằng nền tảng này mang tính giải trí, không thực sự phù hợp với sách. Thế nhưng, với sự phát triển và sức ảnh hưởng của TikTok hiện nay, ngành sách cũng không thể nằm ngoài xu hướng. 

Không có gì là muộn 

Nhiều năm trước, khi các cây bút trẻ tận dụng Facebook để quảng bá tác phẩm, từng có những ý kiến chỉ trích rằng người viết trẻ chạy theo danh tiếng, bề nổi. Theo cách nghĩ cũ thì sách/văn chương được mặc định là “hàng hóa đặc biệt” và tác phẩm hay sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhưng sự nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng và tự tin thể hiện của một thế hệ người viết/người làm sách trẻ đã dần làm thay đổi quan niệm cũ. Với TikTok cũng vậy, nền tảng này lâu nay vẫn bị xem là chỉ phù hợp với các loại hình nghệ thuật biểu diễn nhưng ở thời điểm hiện tại, TikTok đã cho thấy sức ảnh hưởng và khả năng phát huy hiệu quả trên mọi phương diện. 

“TikTok thu hút giới trẻ bởi sự trẻ trung, sôi động, phổ biến và mang tính giải trí cao. Việc giới thiệu sách vào nền tảng này, tôi nghĩ là một bước đi kịp thời và hiệu quả mà nó mang lại cũng không nhỏ. Chúng tôi vẫn duy trì truyền thông số trên các nền tảng mạng xã hội khác, cùng với TikTok, để gần gũi với độc giả của mình, hiểu nhu cầu của họ và làm nên những cuốn sách hợp với từng độ tuổi” – chị Võ Thiên Hương chia sẻ thêm.

Chị Mai Ly – đại diện truyền thông Nhà xuất bản Trẻ – cho biết: trước mắt đơn vị tập trung giới thiệu trên kênh TikTok các tựa sách văn học, kỹ năng sống, tâm hồn và truyện tranh. “Định hướng của Nhà xuất bản Trẻ là xây dựng một kênh TikTok với nội dung hấp dẫn nhưng phải “sạch”, uy tín, lan tỏa cảm hứng đọc sách và thông tin thú vị. Chúng tôi kỳ vọng TikTok không chỉ là kênh giới thiệu sách một chiều mà còn là “cánh cửa” để nhà xuất bản thấu hiểu và giao lưu cùng độc giả” – chị Mai Ly nói. 

Dù việc quảng bá sách trên TikTok tại Việt Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu nhưng không có gì là muộn. 

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)