Đoàn kiểm tra liên ngành Quảng Bình vừa “vi hành” tới khu vực Rào Tre (xã Trọng Hóa – Minh Hóa) và phát hiện khoảng 150 m3 gỗ đã khai thác bị “bỏ hoang”. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi vì việc bảo vệ rừng ở đây gần như bị thả nổi.
“Đường dây” phá rừng liên tỉnh
Rào Tre là tên một con suối chảy từ Khăm Muộn (Lào) sang huyện Minh Hóa (Quảng Bình) và vắt sang huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Chính nhờ đặc điểm này cộng với tính phức tạp, hiểm trở của địa hình nên lâm tặc ở Hương Khê lâu nay đã biến những khu rừng giáp ranh này thành các “xưởng đen” khai thác và chế biến gỗ lậu.
Phải mất gần 1 ngày băng rừng vượt đỉnh Cà Xen, đoàn mới tới được bãi tập kết gỗ khổng lồ ở Rào Tre (thuộc tiểu khu 37 do Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa quản lý, bảo vệ). Suốt đường đi, không khó để nhận thấy những con đường mòn chằng chịt do lâm tặc để lại trên lộ trình vận chuyển gỗ lậu.
Các tuyến đường mòn đều được liên kết với nhau liên hoàn, có điểm dừng chân để ăn uống và các hố nước cho trâu kéo nghỉ ngơi. Các điểm tập kết nằm phân tán giữa rừng già, với hằng hà sa số những súc gỗ quý đủ chủng loại…
Không chỉ được phác bằng rìu thủ công, hàng trăm khối gỗ có chiều rộng từ 30 – 40 cm, dài đến hơn 4m đã được cưa xẻ ngay tại rừng, chứng tỏ lâm tặc đã đưa các công cụ cơ giới vào tận nơi.
Mặt nước khe Rào Tre như bị tắc bởi nhiều bè gỗ san sát kết bằng can nhựa, tất cả đều đã sẵn sàng cho những chuyến vận chuyển theo hạ nguồn về phía Hương Khê. Theo quan sát, số gỗ này đã được khai thác trong thời gian dài. Nhiều súc gỗ đã nứt nẻ, thâm nâu với những vết cưa rất cũ.
Gỗ được lâm tặc kê cao để chống ngập và mối mọt.
Ở nhiều bãi, gỗ được kê bài bản để chống mối mọt và chống ngập, như thể người ra để gỗ hợp pháp trong nhà. Anh Hồ Xuân – Xã đội phó xã Trọng Hóa cho biết: “Thời điểm này là lúc lâm tặc đang tận thu gỗ để đợi con nước lên rồi tuồn xuống hạ nguồn”.
Dân sơn tràng trong khu vực cho biết, lâm tặc khai thác trong khu vực này hầu hết không làm nhỏ lẻ, mà đều lập thành “đường dây” với các công đoạn liên hoàn: trước khai thác lâm tặc cử người vào khảo sát trữ lượng, đánh dấu đường đi rồi mở đường, dựng lán.
Việc làm này vừa mang tính “tiền trạm”, vừa để khẳng định lãnh địa của mình đối với các nhóm lâm tặc khác. Do rừng bạt ngàn, lâm tặc ở đây có một luật bất thành văn là cây nào đã được nhóm trước đánh dấu thì nhóm sau không được xâm phạm. Ai vi phạm “luật rừng” sẽ bị xử bằng “luật rừng”.
Trên đường đi từ bản Lòm vào Rào Tre, không khó để phát hiện hàng chục điểm tập kết gỗ như thế và hàng chục lán trại còn ấm hơi than nằm rải rác. Những cây gỗ còn sót lại của rừng phòng hộ vẫn đang bị lâm tặc “hành quyết” từng ngày.
Về đâu, rừng thiêng Minh Hóa?
Nếu như rừng Rào Tre bị lâm tặc ngoại tỉnh khai thác rồi hạ thủy về xuôi thì rừng Ca Xai (thuộc xã Dân Hóa – gần Cửa khẩu quốc tế Cha Lo) được chính các đầu nậu gỗ trong vùng thuê người khai thác rồi vận chuyển theo tuyến đường huyết mạch 12A về ngã ba Khe Ve trước khi chở ra Hà Tĩnh theo đường Hồ Chí Minh.
Phóng tầm mắt từ đường 12A, dường như rừng nguyên sinh dọc sườn núi của xã Dân Hóa vẫn nguyên sơ và tĩnh lặng. Nhưng từ cầu Cha Lo 3, dọc theo khe 40 đi sâu vào rừng Ca Xai trên con đường độc đạo khoảng 4 tiếng đồng hồ, tiếng cưa xẻ bắt đầu vang lên rầm rĩ, thi thoảng lại nghe một tiếng “rào rào” của cây đổ.
Dọc đường vào khu vực được người dân gọi là Nước Lặn, không khó để nhìn thấy những gốc đại thụ có đường kính trên dưới 1m bị đốn hạ phũ phàng. Không ít thân cây to còn nằm vương vãi vì lâm tặc chưa kịp xẻ mang đi.
Người dẫn đường cho biết: tới nay, các loại gỗ quý trong vùng không còn, nên lâm tặc bắt đầu “chiếu cố” đến vàng tâm, re, trường, bộp… và khai thác theo kiểu tận diệt từ lớn đến nhỏ cho đến lúc hết nhẵn một khoảnh rừng mới dỡ lán mang máy móc, thiết bị đi khoảnh khác.
Những phiến gỗ được xẻ vuông vắn nằm vương vãi trên đường đi.
Trong khu vực này, hàng chục lán trại với đầy đủ lương thực, thực phẩm các vật dụng dã chiến như võng, bát chén… nằm rải rác khắp nơi. Một lâm tặc địa phương cho biết: khai thác xong, gỗ sẽ được xẻ ngay tại rừng theo yêu cầu của chủ gỗ rồi giao cho nhóm gùi thồ tập kết về một điểm cách mặt đường 12A chừng nửa cây số. Mỗi ngày, một tay sơn tràng có thể khai thác được trên dưới 1m3 gỗ.
Theo lời của dân khai thác, chúng tôi trở ra phía đường 12A định tìm đến bãi tập kết được cho là của đầu nậu tên D ở Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo nhưng không thể tiếp cận được. Quanh khu vực cầu Cha Lo, chỉ có một lán trại của lâm tặc. Quanh lán, lâm tặc còn trồng cả cây ngắn ngày để cải thiện bữa ăn!
Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Bình phát hiện bãi tập kết gỗ ở Rào Tre, với số lượng lên tới 150 m2, hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo phương án vận chuyển và xử lý.
Nhưng đó chỉ là một trong số rất nhiều bãi tập kết sản phẩm của các “công trường” đang ngày đêm “hành quyết” từng khoảnh rừng phòng hộ còn sót lại. Các cơ quan chức năng ở đâu khi lâm tặc vẫn ung dung “phủ trọc đồi xanh”?
Thụy Khoa (dantri)
Bình luận (0)