Gần đây, nhiều tài xế lưu thông trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây than phiền có quá nhiều biển quảng cáo đặt trên tuyến cao tốc. Các chuyên gia giao thông cũng lo ngại tình trạng trên có thể đe dọa an toàn giao thông.
Biển quảng cáo dày đặc trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành. ẢNH: CÔNG NGUYÊN
Theo ghi nhận của Thanh Niên, ngay từ nút giao thông An Phú, Q.2 (đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Long Thành) cánh lái xe đã phải chú ý đến cột quảng cáo cao, lớn (3 mặt) đập vào mắt. Cạnh đó là cột quảng cáo bằng sắt đang xây dựng dở dang. Bắt đầu vào đường cao tốc, cũng xuất hiện một cột quảng cáo cho một hãng sơn. Trên suốt đoạn đường cao tốc, biển quảng cáo được đặt dày đặc.
Trong khoảng 4 km từ nút giao thông An Phú đến nút giao thông Vành đai 2 (Q.9) có tới 70 biển quảng cáo của Samsung. Còn từ nút giao thông Vành đại 2 đến giữa cầu Long Thành (địa phận TP.HCM) dài khoảng 5 km có tới 92 biển quảng cáo với đủ màu sắc của Tôn Hoa Sen. Trên cầu Long Thành các biển quảng cáo của Tôn Hoa Sen đặt trên trụ điện chiếu sáng ở hai bên thành cầu.
|
Trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM khi qua giữa cầu Long Thành (địa phận thuộc TP.HCM) cũng dày đặc các biển quảng cáo Tôn Hoa Sen, Samsung kéo dài đến nút giao thông An Phú.
Liên lạc số điện thoại ghi trên biển quảng cáo ở tuyến cao tốc trên để tìm hiểu, một người phụ nữ tên Tâm bắt máy và giới thiệu đang làm việc tại Công ty quảng cáo BigSun, đơn vị khai thác độc quyền quảng cáo trên tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo bà Tâm, một biển quảng cáo hình chữ nhật (1 x 2 m) treo trên đường cao tốc giá 20 triệu đồng/năm nhưng phải thuê 15 biển trở lên, thời gian 12 tháng thì mới ký hợp đồng. “Khách hàng chỉ cần gửi hồ sơ tới Công ty BigSun thì không phải lo bất cứ giấy phép nào. Về mặt giấy tờ pháp lý không cần phải bận tâm, bên em bao hết. Công ty em có công văn cho phép từ Bộ GTVT”, bà Tâm nói chắc nịch.
Quảng cáo dày đặc
Trước tình trạng có quá nhiều biển quảng cáo trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ VN vừa đề nghị Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC, chủ đầu tư khai thác tuyến đường) kiểm tra, loại bỏ các biển vi phạm.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, cho biết ngày 2.8, Bộ GTVT đã có công văn chấp thuận chủ trương cho phép lắp đặt biển tuyên truyền an toàn giao thông kết hợp quảng cáo thương mại theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, VEC được lắp đặt 4 biển quảng cáo 3 mặt tại tiểu đảo 4 nhánh Ramp D1, A1, B2, D2 lên, xuống kết nối Vành đai 2 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Thế nhưng, sau đó Cục phát hiện nhiều biển tuyên truyền an toàn giao thông có nội dung quảng cáo ngoài phạm vi cho phép, vi phạm quy định “không được lắp đặt biển quảng cáo trong hành lang an toàn đường cao tốc”. Đặc biệt là tình trạng các biển quảng cáo dày đặc.
Đơn cử như trên đoạn đường từ Km 1+000 đến Km 2+000 có 15 biển quảng cáo 2 mặt có nội dung quảng cáo sản phẩm PEB Steel cự ly trung bình giữa hai biển quá gần, chỉ 71 m. Trên đoạn đường cao tốc từ Km 7+500 – Km 12+600 có 90 biển quảng cáo sản phẩm Tôn Hoa Sen cự ly giữa hai biển chỉ 57 m.
Trong khi trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E), đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cho rằng việc lắp đặt các biển quảng cáo cũng nhằm để có chi phí chi trả cho việc đầu tư xây dựng trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông, lấy thu bù chi và nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án đường cao tốc này. Việc bố trí pa nô tuyên truyền kết hợp quảng cáo, VEC E thực hiện đúng theo quy định kỹ thuật của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời của Bộ Xây dựng với các tuyến đường nội và ngoại thị.
Dễ xảy ra tai nạn
Kỹ sư – chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức) cho biết các nước châu Âu không hề có biển quảng cáo trên đường cao tốc. Tại Mỹ thì rất hiếm, khoảng 1 km mới có 1 tấm biển nhưng biển rất lớn, gấp khoảng 20 lần biển quảng cáo trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Nội dung quảng cáo trên tấm biển phải ngắn gọn để tài xế chạy với tốc độ 120 km/giờ không bị phân tâm. Khi tuyến cao tốc có quá nhiều biển quảng cáo nhỏ, người lái xe không đọc được nên phải cố gắng chú ý, dễ bị phân tâm dẫn đến nguy hiểm khi lái xe.
Chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh khẳng định việc đặt biển quảng cáo trong hành lang an toàn đường cao tốc là sai quy định. Trường hợp các biển quảng cáo nằm ngoài hành lang an toàn đường cao tốc, thì không cấm, nhưng nếu lặp đi lặp lại gây cảm giác mỏi mắt, buồn ngủ cho lái xe, dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, Bộ GTVT cũng phải xem xét không cho thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Phú, tài xế xe tải chạy thường xuyên trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, bức xúc: “Đang lái xe với tốc độ 120 km/giờ, chỉ mất tập trung vài giây là nguy hiểm đến tính mạng. Biết thế nhưng vì có quá nhiều biển quảng cáo nên tôi không thể không nhìn”. Anh Lê Văn Cường, một tài xế xe khách, cho biết ngoài việc làm tài xế mất tập trung, đêm đến các biển quảng cáo đều thắp điện còn khiến tài xế bị chói mắt, hạn chế tầm quan sát nên rất nguy hiểm. “Đường cao tốc nhưng biển chỉ dẫn, cảnh báo tai nạn giao thông rất ít mà thấy toàn là biển quảng cáo. Chẳng may xảy ra tai nạn từ những biển quảng cáo này thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, một tài xế container đặt vấn đề.
|
Đình Mười – Công Nguyên/TNO
Bình luận (0)