UBND TPHCM vừa trình HĐND TP đề án thí điểm quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng (xe buýt). Nhiều ý kiến cho rằng, việc quảng cáo trên xe buýt là cần thiết và cần sớm được triển khai.
Tăng thu ngân sách, giảm bù lỗ
Theo UBND TP, hiện toàn bộ kinh phí trợ giá hàng năm cho hoạt động xe buýt tại TP đều được trích từ ngân sách TP. Vì vậy, việc nghiên cứu đề án tổng thể khai thác nguồn thu cho thuê quảng cáo từ kết cấu hạ tầng xe buýt (bến bãi, nhà chờ, trạm dừng…), trên thân xe buýt cần được thực hiện sớm. Tuy nhiên, việc xây dựng một đề án tổng thể như thế mất nhiều thời gian và cần có lộ trình thực hiện phù hợp. Vì vậy, trước mắt TP đề xuất thực hiện thí điểm quảng cáo trên một số tuyến xe buýt. Sau đó đánh giá kết quả, đúc kết kinh nghiệm mới có cơ sở triển khai rộng rãi trên tất cả các luồng tuyến xe buýt khác, tạo thêm nguồn thu cho hoạt động giao thông công cộng đang phải trợ giá.
Việc quảng cáo trên xe buýt TPHCM cần sớm được triển khai để giảm gánh nặng trợ giá. (Trong ảnh: Quảng cáo trên xe buýt ở tỉnh Đồng Nai).
Trong giai đoạn thực hiện thí điểm, sẽ quảng cáo trên xe buýt thuộc các nhóm B40, B55, B60, B80 và xe buýt 2 tầng, vì xe buýt thuộc các nhóm này có bề mặt thân xe rộng, thiết kế dạng thân liền, thuận lợi cho việc dán quảng cáo. Đây cũng là nhóm xe đảm nhận vận chuyển khách theo tuyến phổ thông và không trợ giá, thường xuyên hoạt động với tần suất cao trong ngày. Ngoài ra, UBND TP cũng đề nghị chọn 10 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá để thực hiện. Theo UBND TP, việc lựa chọn 10 luồng tuyến xe buýt thí điểm dựa trên cơ sở lựa chọn gồm nhiều nhóm phương tiện khác nhau để có đủ điều kiện xây dựng mức giá sàn phù hợp, bảo đảm cơ sở áp dụng khi lập kế hoạch thực hiện mở rộng sau này. Lộ trình hoạt động của 10 tuyến xe buýt trên có đặc điểm hoạt động chủ yếu ở khu vực nội thành, đi qua các quận, khu vực trung tâm TP nên dễ thu hút được quảng cáo. Tần suất hoạt động của các luồng tuyến được chọn tương đối cao (110 – 280 chuyến/ngày).
Về nguồn thu quảng cáo trên xe buýt, đối với các tuyến xe buýt có trợ giá tập trung về ngân sách TP; đối với các tuyến xe buýt không trợ giá, nguồn thu từ quảng cáo sẽ do chủ sở hữu phương tiện thụ hưởng. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, nếu việc triển khai quảng cáo trên tất cả các luồng tuyến xe buýt trên địa bàn TP với hơn 2.300 xe, mỗi năm sẽ đem về cho ngân sách TP khoảng 170 tỷ đồng (chưa trừ thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp…).
Làm rõ trách nhiệm các bên
Liên quan đến vấn đề quảng cáo trên xe buýt, đa số ý kiến của các sở, ngành và doanh nghiệp vận tải đều cho rằng việc quảng cáo trên xe buýt là hết sức cần thiết và đề nghị TP sớm triển khai thực hiện. Bởi lẽ, hiện nay luật pháp không cấm việc quảng cáo trên phương tiện vận tải và ở một số tỉnh, TP trong cả nước đã triển khai thực hiện nhiều năm qua. Mặt khác, việc cho phép quảng cáo trên xe buýt hàng năm sẽ mang về cho ngân sách TP một nguồn thu đáng kể, giúp giảm gánh nặng kinh phí trợ giá xe buýt. Ngoài ra, khi ngân sách TP có thêm nguồn thu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn để đầu tư mới phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ xe buýt.
Dù đồng tình với chủ trương quảng cáo trên xe buýt, song ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP, đề xuất: Cần tách rõ khoản thu từ quảng cáo này với trợ giá của TP cho hoạt động xe buýt để tránh sự phụ thuộc vào thời gian thanh toán của các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo, nhằm không ảnh hưởng đến tiến độ thanh quyết toán tiền trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải xe buýt. Ngoài ra, nên ký hợp đồng với một đơn vị quảng cáo để việc thực hiện được thống nhất và thuận tiện trong công tác quản lý. Mặt khác, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa đơn vị quảng cáo và chủ phương tiện trong hợp đồng quảng cáo đối với các trường hợp sự cố bất khả kháng khi xe không thể hoạt động được như hợp đồng quảng cáo đã ký kết. Đồng quan điểm, ông Đoàn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xe khách Sài Gòn kiến nghị, đề án cần đề cập nhiều hơn đến trách nhiệm của các bên khi tham gia quảng cáo; cũng như tách bạch rõ tiền trợ giá xe buýt và tiền thu từ nguồn quảng cáo.
Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM, ông Phạm Văn Đông, cũng cho rằng quảng cáo là loại hình dịch vụ mà xã hội đang cần và luật pháp đã cho phép nên cần sớm triển khai thực hiện trên xe buýt. Tuy nhiên, để hoạt động quảng cáo đạt hiệu quả, các sở, ngành xây dựng đề án cần tách bạch rõ nguồn thu quảng cáo và vấn đề trợ giá để tránh sự nhập nhằng trong cách hiểu.
ĐÌNH LÝ
(SGGP)
Bình luận (0)