Y tế - Văn hóaThư giãn

Quảng cáo trên xuất bản phẩm: Đã cấm còn cố!

Tạp Chí Giáo Dục

Các loại sách và tài liệu dưới dạng sách, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn. Thế nhưng, có không ít cuốn, không phải sách chuyên về quảng cáo, vẫn tràn ngập thông tin, logo của nhà tài trợ cũng như hình ảnh sản phẩm trong sách.

Ngoài số tiền phạt 25 triệu đồng, Thanh tra Cục Xuất bản – In và Phát hành còn buộc Nhà xuất bản (NXB) Thông tấn cải chính thông tin và tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo có nội dung vi phạm trên xuất bản phẩm. Đó là cái giá phải trả cho đơn vị này, khi ấn phẩm Cẩm nang vàng cho phụ nữ mang thai có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Đây là điều đã được cấm trong Luật Xuất bản lẫn Luật Quảng cáo.

Cụ thể, tại Điều 30 Luật Xuất bản 2012 quy định: không được quảng cáo trên bản đồ hành chính và chỉ được quảng cáo trên lịch bloc, nhưng phải tuân thủ theo quy định của luật. Khoản 3 ghi rõ: Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm không được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo quy định, không được quảng cáo trên sách in; nhưng một số đơn vị vẫn “lách luật”

Còn tại Điều 25 Luật Quảng cáo 2012, đáng chú ý ở khoản 1, quy định: Đối với các loại sách và tài liệu dưới dạng sách, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo. Riêng đối với tài liệu không kinh doanh, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản hoặc biểu trưng, logo, nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của tổ chức, cá nhân được phép xuất bản tài liệu đó. 

Mặc dù luật đã quy định cụ thể như vậy, nhưng vẫn có nhiều đơn vị xuất bản cố tình “lách luật”. Ngoài ấn phẩm Cẩm nang vàng cho phụ nữ mang thai do NXB Thông tấn ấn hành, nếu dạo một vòng các nhà sách, có thể tìm thấy dấu hiệu quảng cáo thông qua thông tin, logo của nhà tài trợ cũng như hình ảnh sản phẩm trong một số ấn phẩm như Bình tĩnh mà sống (NXB Hội Nhà văn, 2020), Ơ kìa nước Mỹ (Sống và NXB Thế giới, 2019), Megan Muốn về nhà và mẹ cũng thế (Liên Việt và NXB Phụ nữ, 2018)… Trước đó, hai tập thơ ViLi in love (NXB Văn nghệ, 2008) và ViLi & Paris (NXB Hội Nhà văn, 2012) của nhà thơ Vi Thùy Linh cũng ngập tràn logo của các thương hiệu.

Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại, trong khi nhật báo, tạp chí, các phương tiện truyền thông khác được phép quảng cáo, còn xuất bản phẩm bị “cấm túc” có gì đó hơi “bất công”. Bởi thực tế, hiện nay khâu phát hành đã chiếm gần một nửa giá bìa; phần còn lại là chi phí bản quyền, chi phí sản xuất, vận hành công ty… Lợi nhuận vì thế cũng còn rất thấp. Việc có thêm một khoản thu từ quảng cáo một mặt giúp các đơn vị xuất bản cải thiện đời sống của đội ngũ nhân viên. Và quan trọng hơn, khoản thu đó sẽ giúp đơn vị xuất bản có điều kiện đầu tư vào xuất bản phẩm, giúp giá thành sản xuất giảm đáng kể; từ đó tiếp cận được nhiều độc giả hơn. 

Theo quy định, chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo

Hành vi “lách luật” như vậy rõ ràng không công bằng cho những đơn vị làm sách đàng hoàng tử tế, dù họ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Quan trọng hơn là họ cũng không tôn trọng, hoặc ít ra cũng không quan tâm đến cảm giác của người đọc. Bởi lẽ thường, độc giả mua sách để tiếp nhận nội dung cuốn sách đó, chứ không phải để đọc… quảng cáo!

Vậy nên, một khi luật đã có, thì điều đầu tiên là phải thượng tôn pháp luật; sau đó, nếu cảm thấy luật có những vấn đề bất ổn, không còn phù hợp với thực tiễn, thì cần thiết phải có những kiến nghị thỏa đáng để có thể điều chỉnh. Nếu cứ im ỉm rồi cố tình “lách luật” – vốn dĩ lưới trời lồng lộng, thưa nhưng đôi lúc cũng rất khó lọt; lúc đó, việc phải ôm “cái kết đắng” vào mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu (Văn phòng Luật sư Hiếu và cộng sự): Có thể kiến nghị để sửa luật

Theo quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 59 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì hành vi quảng cáo trên các trang bìa hoặc trang nội dung của xuất bản phẩm dạng sách và tài liệu không kinh doanh dạng sách, trừ sách chuyên quảng cáo, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, đối với xuất bản phẩm điện tử, thì chỉ bị xử phạt nếu “Quảng cáo lẫn vào nội dung hoặc làm gián đoạn nội dung của xuất bản phẩm điện tử” (điểm a, khoản 3, Điều 59 Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Như vậy, xuất bản phẩm điện tử vẫn có thể thực hiện việc quảng cáo, miễn không “lẫn vào” hoặc “làm gián đoạn nội dung”. Nếu thế, rõ ràng chưa có sự công bằng giữa xuất bản phẩm dạng sách và xuất bản phẩm điện tử. Tương tự, quy định về quảng cáo giữa nhật báo và sách in cũng chưa công bằng. 

Chúng ta hô hào, cổ xúy văn hóa đọc. Trong khi, ngày nay, với sự xuất hiện ồ ạt của trào lưu “đọc lướt” bằng sách điện tử, ngành sách in đứng trước thách thức lớn. Muốn phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh thách thức như vừa nói, ngành sách rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và toàn thể xã hội, để giá thành thấp hơn, sách có cơ hội đến tay nhiều độc giả hơn. Khi doanh nghiệp hỗ trợ, họ cũng cần gắn logo hoặc quảng bá thương hiệu và hoạt động để duy trì ổn định nguồn hỗ trợ. 

Nếu theo đúng quy định như hiện nay, trừ tác giả và đơn vị xuất bản, thì xem như sách in không được phép quảng cáo trên đó như xuất bản phẩm điện tử, nhật báo hoặc tạp chí… Do đó, để đảm bảo tính công bằng, khuyến khích việc đọc, cần có những quy định đồng bộ và thông thoáng hơn. 

Đối với các doanh nghiệp và các đơn vị liên kết xuất bản, trong khi chờ đợi một cơ chế thông thoáng hơn, một mặt chúng ta cần tuân thủ các quy định hiện hành, mặt khác chúng ta cũng cần ngồi lại với nhau, lắng nghe những khó khăn, để có một đánh giá khoa học về vấn đề quảng cáo trên sách. Cần thiết, sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, sửa đổi quy định cho phù hợp với nhu cầu chính đáng và lợi ích chung của xã hội. 

Thành Vinh (ghi) 

Theo Gia Khang/PNO

 

Bình luận (0)