Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quảng cáo trong phim: Vì sao nên nỗi? (bài 1)

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh viện FV luôn xuất hiện trong phim Gia tài bác sĩ.

Khi phim truyền hình VN phát sóng, quảng cáo bây giờ không chỉ “ăn theo” trong thời gian dành cho quảng cáo mà còn xuất hiện ngay chính trong nội dung phim. Xem một số bộ phim truyền hình VN vừa qua, khán giả có cảm giác bị “ngợp” với các quảng cáo sữa, cà phê, xà bông… xuất hiện tràn ngập.

Trong bộ phim Gia tài bác sĩ, máy quay phim đặc tả chi tiết chai dầu, sau đó nam diễn viên “vô tình” nói với một lão nông: “Dầu gió xanh loại này dùng tốt lắm nghen”. Câu nói này đã khiến cảnh đoàn khám bệnh từ thiện của nhóm bác sĩ trẻ đến với người nghèo trở nên… hết sức vô duyên.

Quảng cáo lồ lộ

Sản phẩm một loại cà phê được sử dụng mọi lúc mọi nơi trong bộ phim Lọ lem thời @.Cũng trong Gia tài bác sĩ, người xem thấy khó chịu với nhiều sản phẩm kem dưỡng da, sữa rửa mặt được quay cận cảnh một cách cố ý; càng đặc biệt thất vọng khi hình ảnh Bệnh viện FV được quảng cáo quá lộ liễu. “Đây là bộ phim có đề tài tốt, diễn viên đẹp, nhưng khi xem tôi thấy ngượng ngùng. Việc chỉ đích danh bệnh viện rõ ràng như vậy sẽ khiến người xem thắc mắc chẳng lẽ chỉ có bác sĩ làm việc ở đó mới có trái tim nhân ái? Giá như những người làm phim xử lý tế nhị một chút thì phim sẽ “sạch” hơn” – chị Hoài Thu, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), nhận xét.

Với phim Tình yêu pha lê, khán giả không chỉ ngán ngẩm với tính cách dở dở ương ương của cặp diễn viên chính trong phim, mà còn bị tra tấn bởi một loạt sản phẩm của một hãng mỹ phẩm trưng bày la liệt từ nhà tắm cho đến phòng ngủ. Phim Lọ lem thời @ thì sản phẩm của Nescafé và Maggie tràn ngập khắp nơi. Còn trong bộ phim Mây trắng ngang trời để khán giả nhớ đến đơn vị tài trợ – vốn là một ngân hàng – nên nhà làm phim quyết định in tên ngân hàng với kích cỡ khá lớn lên bình hoa đặt ngay ngắn trong phòng khách một đại gia. Cứ thế, đến cảnh quay nhà của nhân vật quan trọng này là máy quay phim không quên bình hoa cũng rất “quan trọng” này.

Bộ phim Tuổi yêu có cảnh hai cha con cùng đi vào cửa hàng trưng bày của một công ty sản xuất xe hơi. Sau một hồi hỏi về lai lịch chiếc xe, người con ngồi vào ghế xe ra vẻ hài lòng. Người cha nhận xét: “Đây là xe hơi chứ không phải spa đâu nhé!”. Rồi ngay từ những tập đầu của bộ phim Cỏ đuôi gà, trên diễn đàn dienanh.net một số cư dân mạng cũng bày tỏ thái độ bất bình trong đoạn phim nhân vật nữ chính bước vào một cửa hàng điện thoại dự định mua một điện thoại cầm tay rẻ tiền. Khi cô gái hỏi cho xem loại điện thoại rẻ nhất, anh bán hàng liền đưa ra loại điện thoại (chiếu cận cảnh) có giá lên đến 8 triệu đồng!

Can thiệp thô bạo

Trong giới làm phim đều biết là sau khi hình thành kịch bản, hãng phim thường cầm kịch bản đi chào hàng tìm kiếm quảng cáo ở các công ty. Nếu có một nhãn hàng nào đồng ý quảng cáo trong phim, họ sẽ cùng đạo diễn chỉnh sửa kịch bản để lồng ghép sản phẩm quảng cáo vào sao cho mạch phim hợp lý. Khi kịch bản được sửa chữa xong sẽ đưa trở lại cho công ty có sản phẩm quảng cáo để duyệt. Đôi khi nhà tài trợ can thiệp khá thô bạo vào kịch bản phim. Thậm chí nhiều nơi còn đưa ra những đòi hỏi rất trời ơi kiểu “sản phẩm của tôi cần nói huỵch toẹt ra thì người dân mới hiểu”!

Bình hoa trong phim Mây trắng ngang trời có in chữ và logo một ngân hàng.Hầu hết đạo diễn khi được hỏi về vấn đề này đều có chung một nỗi lòng: Nếu khán giả cảm thấy khó chịu một thì những người trực tiếp thực hiện còn khó chịu đến mấy lần. Nhưng biết làm sao bây giờ, các hãng phim cần thêm tiền để làm phim, còn đạo diễn cần được làm phim để làm việc! Mối quan hệ của việc quảng cáo trong phim chủ yếu diễn ra giữa nhà sản xuất và các nhãn hàng, nhưng trớ trêu thay cuối cùng “tội lỗi” lại đổ hết cho đạo diễn.

Một đạo diễn trẻ mới hợp tác với hãng phim tư nhân chua chát: “Nếu kế hoạch quảng cáo được đưa vào ngay từ đầu còn đỡ khổ, đằng này phim tôi làm đã quay được hơn một nửa số tập, nhà sản xuất tìm thêm được nguồn tài trợ bèn đề nghị lồng sản phẩm vào phim. Vậy là các tập phim còn lại bị cắt, thêm mắm muối… Mà đâu chỉ có một, có đến bốn sản phẩm cần phải chen vào nội dung giữa các tập phim như vậy. Trong tình huống ấy đạo diễn dù giỏi mấy cũng phải chào thua”!

Quảng cáo trong phim là cách quảng bá sản phẩm bằng cách lồng ghép các sản phẩm vào nội dung phim. Các nhân vật trên phim sử dụng sản phẩm một cách tự nhiên nhưng thực tế đều là quảng cáo. Kết quả, nhà sản xuất phim và nhãn hàng đó đều có lợi: nhà sản xuất phim có thêm kinh phí để sản xuất phim, còn sản phẩm được người xem truyền hình biết đến nhiều hơn.

HOÀNG LÊ (Nguồn Tuổi trẻ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)