Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quang Dũng – Một hồn thơ đẹp và rất riêng

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 5/6 tại Hà Nội đã diễn toạ đàm thơ Quang Dũng với sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng cùng với đông đảo những người yêu văn thơ và ngưỡng mộ ông. Ông là tác giả của bài thơ nổi tiếng Tây Tiến

Trong buổi toạ đàm, các diễn giả cùng khán giả đã nhìn lại một chặng đường dài thơ Quang Dũng, những nét đẹp và sự khác biệt đặc sắc trong thơ của ông.
Là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Việt Nam, các tác phẩm của Quang Dũng được thừa nhận như là một sự khác biệt hoàn toàn trong phong trào thơ mới những năm 1932-1945. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Tây Tiến và Đôi mắt người Sơn Tây vốn rất quen thuộc với các độc giả. Tuy nhiên, thơ của Quang Dũng không chỉ có hai bài thơ đó…
Chị Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng đọc lại tác phẩmTây Tiến nổi tiếng
Phong trào thơ mới 1932 – 1945 đánh dấu sự thành công vượt bậc của văn học Việt Nam với sự đóng góp bởi các tên tuổi nổi tiếng với phong cách thơ lãng mạn, hào sảng nổi trội trong làng thơ như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Và hẳn nhiên, không ai có thể quên Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, bởi riêng mình Quang Dũng dường như đã tự tách biệt mình ra với hướng đi của các nhà thơ lãng mạn khác.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã thừa nhận điều đó trong buổi toạ đàm: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Nguyên cũng không tiếc lời khen Tây tiến của Quang Dũng: “Một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác (năm 2008), một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người. Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã phân tích rất kỹ những nét đẹp trong thơ Quang Dũng
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã phân tích rất kỹ những nét đẹp trong thơ Quang Dũng
Những câu thơ như:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ 
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh 
Áo bào thay chiếu anh về đất 
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
 
Tây Tiến người đi không hẹn ước 
Đường lên thăm thẳm một chia phôi 
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy 
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
Vốn đã rất quen thuộc với bạn đọc khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường nay được đọc lại trong buổi toạ đàm vẫn khiến khán giả rung cảm. Quang Dũng có biệt tài khiến độc giả mê mẩn bởi vẻ đẹp đượm màu lãng mạn yểu điệu ở cách dùng từ ngữ trong thơ của ông.
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa 
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp 
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
 “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Nhạc sĩ Bùi Quang Vinh (con nhà thơ Quang Dũng) chia sẻ những kỷ niệm về cha
Nhạc sĩ Bùi Quang Vinh (con nhà thơ Quang Dũng) chia sẻ những kỷ niệm về cha
Nhà thơ Vân Long, một người bạn của nhà thơ Quang Dũng đã mang đến cho buổi toạ đàm những câu chuyện rất thú vị, những cái tâm, cái tình đậm đà ẩn chứa trong những người bạn chiến đấu, những người bạn vong niên, chia sẻ với nhau cả tấm lòng, cả tâm hồn mình như nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Ngô Quân Miện.
“Điều quan trọng nhất gắn kết ba người chặt chẽ đến vậy là do họ đồng cấp về tinh thần và tâm hồn. Riêng với Trần Lê Văn, ông là người thân thiết đến mức luôn biết phải tìm thơ của Quang Dũng ở đâu”, nhà thơ Vân Long chia sẻ.
Ông Vân Long cũng cho biết, đối với nhà thơ Quang Dũng, hai niềm đam mê lớn nhất của đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”, ông luôn mang trong lòng giấc mộng phiêu du và bạn bè dường như là điều quý giá nhất với ông, hơn cả thơ. Nhà thơ Quang Dũng thường dửng dưng với thơ của mình, ông làm thơ xong thường để đâu đó và không quan tâm đến nó, nên thơ của ông thất lạc rất nhiều. Nhưng với bạn bè, ông là một người đôn hậu, hiền hòa, cởi mở, tình bạn rộng khắp.
Rất đông các bạn trẻ đến tham gia buổi toạ đàm
Rất đông các bạn trẻ đến tham gia buổi toạ đàm
Trong buổi tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nêu quan điểm cho rằng đã đến lúc phải đánh giá lại thơ ca kháng chiến. Ông cho rằng giá trị của các nhà thơ phải gắn với từng bài thơ và nếu không đánh giá giá trị thực, thơ ca sẽ mất độc giả, nhất là trong tình hình hiếm độc giả của thơ hiện nay. Theo ông, thơ ca đương đại vừa phải tìm tòi cái mới vừa phải tìm đến độc giả bởi một bài thơ hay, dù không được in, sẽ vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả, và khi đó, bài thơ sẽ được lưu giữ, lưu truyền bằng nhiều cách.
Cả nhà thơ Vân Long và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đều nhất trí với quan điểm này của nhà thơ Vũ Quần Phương, và hai ông cho rằng thời gian sẽ làm công việc trả lại giá trị thực cho các tác phẩm có giá trị.
Buổi tọa đàm khép lại những dư âm khó quên về một tài năng thơ ca độc đáo thời chống Pháp, một con người tuy vất vả nhưng không bao giờ bận tâm về cái vất vả đó, “đám mây hư ảo trong phòng”, như lời của Trần Lê Văn nói về ông.
 
theo DTO

Bình luận (0)