Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quảng Nam: Nhà máy thép dời lên thượng nguồn, hạ du lo lắng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ngày qua, trước thông tin Nhà máy thép Việt Pháp sẽ di dời từ thị xã Điện Bàn lên huyện miền núi Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), thuộc khu vực thượng nguồn sông Vu Gia, đã khiến người dân vùng hạ du hết sức lo lắng bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra từ nhà máy này.

Dời… ô nhiễm lên núi?
Nhà máy thép Việt Pháp (đóng tại Cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn) được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 40/CN-UBND ngày 19-9 với thời hạn đầu tư là 50 năm. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 26-7-2011 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Nhà máy thép Việt Pháp được đầu tư từ năm 2010 đến cuối năm 2011 và đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay theo công nghệ chủ yếu là lò cảm ứng trung tần (hoạt động bằng nguồn điện), nguyên liệu sản xuất ra phôi thép là 100% sắt phế liệu và phụ gia với công suất 48.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, nhà máy liên tục gặp phải sự phản đối của người dân vì gây xả khói bụi, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân nên buộc phải di dời đi nơi khác. 
Theo Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc, Nhà máy thép Việt Pháp là một trong 12 cơ sở thuộc đối tượng di dời trên địa bàn thị xã. Trong thời gian qua, người dân xung quanh khu vực Cụm công nghiệp Thương Tín phản đối Nhà máy sản xuất thép Việt Pháp gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực và hoạt động sản xuất của nhà máy. 
Để di dời nhà máy, các ngành chức năng của thị xã Điện Bàn và Công ty thép Việt Pháp đã khảo sát 2 địa điểm dời nhà máy đến là Cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) hoặc huyện miền núi Nam Giang. 
Theo Kế hoạch di dời nhà máy do Công ty TNHH thép Việt Pháp đưa ra, có đề nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí 123,8 tỷ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị hỗ trợ nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ di dời. Vì vậy, thị xã Điện Bàn báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam tìm hướng giải quyết.

Đến nay, theo đề nghị của Công ty TNHH thép Việt Pháp, UBND huyện Nam Giang và Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn 4209/UBND-KTTH ngày 30-8-2016 về chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương. 

Quảng Nam bảo không, Đà Nẵng vẫn quan ngại
Khi nghe thông tin Nhà máy thép Việt Pháp dời lên huyện Nam Giang, thượng nguồn sông Vu Gia, người dân vùng hạ du sông Vu Gia, trong đó có hơn 1 triệu dân của TP Đà Nẵng hết sức lo lắng và phản ứng vì sợ nhà máy này gây ô nhiễm nguồn nước. 
Trước phản ứng của dư luận và báo chí, ngày 5-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đã có văn bản gửi Bộ TT-TT và các cơ quan báo chí cho rằng, dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) chủ yếu sản xuất các loại phôi thép phế liệu để nấu, không sử dụng quặng và than cốc. Công nghệ sản xuất là sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép, nên chủ yếu phát sinh ra bụi và khí thải.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp khác với Formosa Hà Tĩnh. Vì thế, báo chí và dư luận so sánh việc ô nhiễm môi trường của Nhà máy thép Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh là không có cơ sở, dẫn đến hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. 
Tuy nhiên, ngày 6-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam thể hiện sự quan ngại về việc đặt Nhà máy cán luyện thép Việt Pháp ở thượng nguồn sông Vu Gia. 
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lo lắng: “Qua phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, UBND TP Đà Nẵng được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang thuộc lưu vực sông Vu Gia, nơi hiện đang cung cấp khoảng 250.000m3 nước/ngày đêm cho Nhà máy nước Cầu Đỏ TP Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng. Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của TP Đà Nẵng”.
Từ đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân TP Đà Nẵng được biết.
Đến nay, hơn 1 triệu người dân TP Đà Nẵng và các huyện cánh Bắc tỉnh Quảng Nam, hạ lưu sông Vu Gia vẫn đang chờ một quyết định cuối cùng từ phía Quảng Nam!

NGUYÊN KHÔI/ SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)