Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm hướng đến việc tất cả các tàu cá của ngư dân vươn khơi đều đảm bảo các quy định về vùng biển khai thác với đầy đủ nhật ký hải trình đánh bắt.
Xử lý tàu cá “mất tích” hơn 6 giờ trên biển
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả thực hiện công tác chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản IUU được Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành tại Quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 1-10-2010. Mục tiêu của IUU là nhằm thiết lập một hệ thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU – PV) trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt rất cao đối với nhóm tàu câu mực của các xã: Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải – huyện Núi Thành; Bình Minh – huyện Thăng Bình khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng.
Đơn cử, mới đây tàu cá QNa-91676-TS do ông Đinh Văn Tân làm chủ tàu đã bị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 135.000.000 đồng về hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận.
Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất 24m trở lên mất kết nối hơn 6 giờ trên biển, Quảng Nam đã xử lý vi phạm hành chính 100% đối với nhóm tàu này sau khi về bờ. Cụ thể, có 11 tàu vi phạm về khai thác IUU đã được xác định lỗi vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã phối hợp triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển. Qua đó đã xử lý trên 150 vụ về khai thác IUU và xử phạt hành chính 107 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá 62/107 vụ (tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính đạt 71,3%).
Tính đến cuối tháng 10-2024, tỉnh Quảng Nam còn 71 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép), trong đó tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 50 chiếc và tàu có chiều dài từ 12m trở lên là 21 chiếc.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang tổng hợp bổ sung lần thứ tư (lần cuối) từ các địa phương khoảng 80 tàu cá “3 không”.
Nỗ lực xóa tàu cá “3 không”
Tính đến cuối tháng 10-2024, tổng số tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 2.830 tàu, nhiều nhất là huyện Núi Thành với 1.475 tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng bờ là 1.793 tàu, trong đó có 632 tàu đã được cấp đăng ký trước đây và 1.161 tàu “3 không” đã được cấp đăng ký; Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là 419 tàu; tàu cá chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 618 tàu.
Ông Võ Văn Long – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam – cho biết, sau khi tiến hành rà soát số tàu cá trên, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiến hành hướng dẫn và cấp phép cho ngư dân có tàu cá đủ điều kiện. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cấp giấy phép cho 1.161 tàu cá, còn 50 tàu cá chưa cấp phép. Đối với 21 tàu cá “3 không” có chiều dài từ 12m trở lên, Chi cục Thủy sản đã cử lực lượng trực tiếp xuống các địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai, hướng dẫn đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không”. Đồng thời, chi cục đã liên hệ với các cơ sở đăng kiểm để hướng dẫn, hỗ trợ cho ngư dân các thủ tục đăng kiểm đối với tàu cá “3 không” thực hiện hồ sơ thiết kế, kiểm định máy thủy… Hiện các tàu đang chờ thiết kế nên chưa thực hiện việc đăng kiểm, cấp đăng ký, giấy phép.
Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5, UBND tỉnh đã tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, các văn bản khác có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm.
Cụ thể, xử lý nghiêm tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động khai thác trên biển và tàu vượt ranh giới cho phép khai thác thủy sản. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả trong chống khai thác IUU.
Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; đồng thời thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá Quảng Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép. Điều tra, xử lý triệt để tình trạng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản ngoài vùng lãnh thổ Việt Nam.
Hàn Giang
Bình luận (0)