Người dân ở khu tái định cư xã Trà Bui hàng ngày xách từng bình nước về sinh hoạt |
Đã nhiều năm di chuyển nhà vào khu tái định cư, nhưng người dân vùng dự án thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) vẫn không có đất sản xuất, trẻ con thì không có nơi học hành… nên đành phải bỏ dở dang con chữ.
Đều đặn mỗi ngày, gia đình bà Trần Thị Mai, ở khu 1A xã Trà Bui (H.Bắc Trà My) đều mang hai cái bình nhựa nhỏ, mỗi bình chừng 5 lít nước đi xuống suối cách nhà cả cây số múc nước sạch về dùng. “Chỉ đủ nấu ăn thôi, còn muốn nước sinh hoạt thì xuống suối” – bà Mai nói. Oái oăm là ngay sát vách nhà bà có một bể nước tự chảy do Ban quản lý (BQL) dự án thủy điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) xây dựng nhiều năm qua nhưng không có lấy một giọt nước. Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Trà Bui, ông Hồ Văn Tiến cho biết, các bể nước này được xây dựng trên vùng đồi núi cao, trong khi nguồn nước lại ở dưới thấp. Do đó, nước không thể chảy ngược lên cho dân dùng được. “Hầu hết các khu tái định cư tại xã Trà Bui đều thiếu nước sinh hoạt, không có nước để phục vụ sản xuất” – ông Tiến nói. Quá trình đền bù, di dân, tái định cư… tại các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác với 413 hộ, 2.357 nhân khẩu đã lộ rõ nhiều bất cập, khiến cho chính quyền địa phương đau đầu. Nặng nhất, theo ông Hồ Văn Tiến chính là việc người dân tái định cư bị bỏ rơi, nhiều năm không được cấp đất sản xuất, không có nghĩa địa để chôn cất người chết. Ngay cả việc chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ chính sách, chuyển đổi nghề, dụng cụ sản xuất, học sinh – sinh viên… đến nay vẫn bặt tăm. Vì thế, nhiều gia đình đã cho con nghỉ học, vì không có tiền và cũng không có điểm trường để học. Thậm chí, theo ông Hồ Văn Tiến, BQL dự án thủy điện 3 còn giữ lại hàng tỷ đồng tiền đền bù của dân. “Có hộ ít nhất bị giữ lại 30 triệu đồng, hộ nhiều nhất hơn 70 triệu đồng. Bà con nhờ xã hỏi giữ lại tiền để làm gì thì nhiều nơi nói loanh quanh, không ai trả lời được”. Điều đáng lo ngại là gần 200 hộ dân nhận tiền đền bù theo chủ trương “tự lo chỗ tái định cư” không có điểm trường cho con em đến lớp và không có hệ thống điện chiếu sáng, không có nước sạch sinh hoạt…
Ông Đặng Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, qua kiểm tra có 259 hộ di dời vào khu tái định cư đang cần đất sản xuất với tiêu chuẩn quy định mỗi hộ được cấp 1,5ha đất để sản xuất. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5-2010, BQL dự án thủy điện 3 vẫn chưa quy hoạch khu vực dùng làm nơi cấp đất sản xuất cho dân. “Đây là bức xúc lớn nhất của người dân và cũng là nỗi lo lớn nhất của huyện” – ông Đặng Phong phân trần. Bởi, hàng trăm hộ tái định cư di chuyển đến và gần 150 hộ dân sống tại chỗ hiện đã chen chúc ngay sát rừng phòng hộ sông Tranh. Có khu như Khu tái định cư số 5 xã Trà Bui được xây dựng ngay trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong khi đó, đất sản xuất không có, không có công trình thủy lợi phục vụ sản xuất… “Vì vậy, khả năng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bị xâm hại là khó tránh khỏi” – ông Đặng Phong khẳng định.
Hàng loạt vụ phá rừng làm rẫy hay xâm hại rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ sông Tranh quản lý ngày càng nghiêm trọng về số vụ việc lẫn mức độ. Thật khó để giữ những cánh rừng nguyên sinh khi mà người dân không có đất sản xuất lại được tái định cư sát và trong rừng phòng hộ… Điều đáng lo ngại hơn nữa là thế hệ trẻ ở đây đứng trước nguy cơ mù chữ khi mà trường lớp vẫn chưa được chú trọng.
Bài, ảnh: ĐIỀN GIA
Công tác lập hồ sơ năm 2005, nhưng đến 2007, 2008, 2009 mới áp giá chi trả đền bù nên người dân bị thiệt thòi dẫn đến phát sinh nhiều thắc mắc khó giải quyết. Hơn nữa, chất lượng xây dựng nhà ở cho các hộ tái định cư còn kém. Nhà dột, thấm nước, nứt tường, cửa cong vênh, tôn lợp và laphông không đảm bảo, bong hở, rả rớt… (Ông Đặng Phong –
Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My) |
Bình luận (0)