Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quảng Ngãi: Bảo tồn di sản văn hóa dưới nước

Tạp Chí Giáo Dục

Đồ gốm thế kỷ 15 được phát hiện và khai quật tại vùng biển xã Bình Châu – Bình Sơn – Quảng Ngãi
Thời gian gần đây, các nhà khoa học liên tục phát hiện nhiều tàu cổ cùng gốm sứ, các di vật, hiện vật bị đắm tại các vùng biển Bình Châu, Lý Sơn. Qua các phát hiện cho thấy, Quảng Ngãi có nhiều ẩn chứa về di sản văn hóa dưới nước.
Tập trung nhiều xác tàu cổ, di sản dưới nước
Tại vùng biển thuộc đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 7 thanh đá vuông dài khoảng 1,5m và hàng chục thỏi đá tròn. Ghi nhận ban đầu thì đây là đá sa thạch, có dấu vết gia công, chế tạo của con người. Những thanh đá này có thể là nguyên vật liệu xây dựng của những thế kỷ trước. Cách khu vực phát hiện đá sa thạch 200m, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều mảnh gốm, sứ xanh, trắng khoảng thế kỷ 15-16. Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ, đây có thể là vết tích của 2 con tàu cổ chở vật liệu xây dựng và gốm sứ thế kỷ 15-16 bị đắm tại vùng biển Lý Sơn. Ông Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia khảo cổ học dưới nước, Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Đoàn Ánh Dương cho biết:“2 tàu này là phát hiện tình cờ chưa có điều tra khảo sát kỹ lưỡng cho nên các thông số khoa học chúng tôi chưa phát hiện được, chưa tìm được như tàu chở bao nhiêu đồ gốm, đồ sứ, giá trị như thế nào, tàu rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu chúng tôi chưa khảo sát. Những vết tích đầu tiên chúng tôi phát hiện, chứng tỏ dưới lòng biển Lý Sơn đang tiềm ẩn những giá trị lớn quan trọng cho khoa học. Theo tôi, xung quanh Lý Sơn không chỉ có 2 tàu mà có thể sẽ còn nhiều tàu cổ khác”. 
Tính từ năm 1999 đến nay, Quảng Ngãi đã phát hiện 10 tàu cổ bị đắm trên vùng biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn. Các tàu cổ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18, phân bố tập trung trong phạm vi 24km2 và cách bờ biển từ 200 đến 400m. Theo đánh giá của các chuyên gia, chưa có nơi nào trên thế giới phát hiện nhiều tàu cổ và mật độ phân bố dày đặc, tạo thành quần thể “nghĩa địa tàu cổ” như ở Quảng Ngãi. Sự phát hiện này đã mở ra cho giới nghiên cứu lịch sử tàu thuyền, lịch sử thương mại ở Việt Nam và thế giới cơ hội nghiên cứu mới. “Chúng ta có thêm nguồn bổ sung tư liệu về tàu cổ cho Việt Nam nói chung và thế giới. Giúp chúng ta có một đà để có thể phát triển ngành khảo cổ học tàu thuyền Việt Nam. Trong tương lai chúng ta xây dựng được giống như các nước trong khu vực, những bảo tàng chuyên về giao thương thương mại trên biển” – tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc

Đạn và súng thần công thời Nguyễn (thế kỷ 19) được trục vớt tại biển Bình Sơn – Quảng Ngãi
Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam chia sẻ.
Cùng với hàng loạt các tàu cổ bị đắm, qua nhiều năm khảo sát, khai quật ở các vùng biển Quảng Ngãi, các nhà khoa học đã phát hiện, khai quật 10 khẩu súng thần công, gần 1 ngàn đầu đạn thần công. Đặc biệt, Quảng Ngãi đã khai quật khoảng 10 ngàn cổ vật là gốm sứ, di vật, hiện vật có niên đại lịch sử khác nhau. Với khối lượng di vật, hiện vật dưới nước khá lớn và những cứ liệu lịch sử, cho thấy việc giao thương buôn bán ở các vùng biển của Quảng Ngãi khá sầm uất trong những thế kỷ trước.
Huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích hoạt động phun trào của núi lửa cách nay từ 250 đến 300 triệu năm. Nhiều di tích thiên nhiên được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Đục, cổng tò vò, dấu tích miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền… có giá trị lớn về văn hóa, du lịch. Và không chỉ vậy, Lý Sơn còn có nhiều di tích thiên nhiên trong lòng biển. Những di tích này đang dần lộ diện và góp phần làm phong phú, đa dạng thêm di sản thiên nhiên vùng biển đảo Lý Sơn. Cũng tại bờ biển đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện vòm đá tự nhiên cách mặt nước 6m, những vỉa đá tạo thành hình vòng cung hơn 10m, đỉnh của mái vòm này cao nhất khoảng 5m. Xung quanh vòm đá có nhiều san hô đẹp tạo thành nhiều hình khối khổng lồ. Đây là di tích thiên nhiên độc đáo, kỳ vỹ nhất từ trước đến nay được phát hiện trong lòng biển Quảng Ngãi.
Cộng đồng cùng bảo tồn di sản
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo – Bộ Tài nguyên Môi trường, vùng biển Lý Sơn có hệ sinh thái phong phú với gần 140 loài rong biển, 160 loài san hô cùng nhiều thảm động thực vật khác. Như vậy, cùng với những di sản văn hóa như tàu đắm, cổ vật, thiên nhiên đã kiến tạo những di sản thiên nhiên độc đáo ở vùng biển Lý Sơn. Những di sản này đang dần lộ diện làm phong phú thêm di sản và là cơ hội lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với lặn biển.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi – cho biết: “Hiện nay các di sản thiên nhiên phong phú đa dạng như vậy nhưng chúng ta cũng chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị trong việc bảo tồn tham quan du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 tầm nhìn 2025, trong đó bảo tồn phát huy các giá trị thắng cảnh này, di sản thiên nhiên này trên vùng biển của Việt Nam”.
Có nhiều di sản văn hóa dưới nước đa dạng, phong phú nhưng cho đến nay Quảng Ngãi vẫn chưa khai thác và sử dụng hết tiềm năng hiện có. Ngoài việc triển khai khảo sát tổng thể các di tích văn hóa dưới nước, các cơ quan quản lý chưa chọn lựa mô hình bảo tồn, phát triển những di sản văn hóa độc đáo này.PGS.TS Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Khi chưa đủ điều kiện bảo tồn ở trên cạn thì chúng ta phải bảo tồn ở dưới nước. Nếu muốn bảo tồn hiệu quả chúng ta phải khoanh vùng lại. Sau đó mới thực hiện khảo sát, đánh giá trữ lượng, từ đó mới xây dựng cung ứng phù hợp. Đối với di sản văn hóa dưới nước thì tùy vào từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, tàu đắm không thể bảo tồn trên bờ được, phải bảo tồn ở dưới nước. Những hiện vật của nó có thể thực hiện bảo tồn khác, có thể đưa lên bờ. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là cộng đồng. Nếu cộng đồng không tham gia thì di sản không thể giữ được”.
Bài, ảnh: Phước Trung
 
Một hội thảo quốc tế về khảo cổ dưới nước
“Từ ngày 14-10 đến 16-10-2014, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế chủ đề “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển”. Đây là hội thảo quốc tế đầu tiên về khảo cổ học dưới nước được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của 170 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có 48 nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngoài nước đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và hơn 120 nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý văn hóa trong nước. Hội thảo tập trung vào những nội dung cơ bản về lịch sử giao lưu, trao đổi và tương tác trên biển ở khu vực Đông Nam Á; cảnh quan môi trường cổ; các loại hình di tích tàu đắm và dân tộc học tàu thuyền đương đại ở khu vực Đông Nam Á…
 
 

Bình luận (0)