Từ tháng 4/2008, hơn 1.000 giáo viên, học sinh trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long (Quảng Ninh) phải chuyển ra sân bóng phường Cao Thắng dạy và học tại những phòng học được dựng tạm bợ bằng cót ép và ngói fiproximăng.
Học sinh trường THPT Ngô Quyền học trong nhà tạm bợ ở sân bóng. Ảnh: T.D
|
Dự án xây dựng trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long (Quảng Ninh) được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ tháng 7/2007. Tháng 4/2008 toàn bộ hơn 1.000 học sinh và thầy cô giáo được di chuyển ra sân bóng phường Cao Thắng học tạm với mong muốn sớm có ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia.
Gần hai năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt, hơn một năm các em học sinh phải chuyển ra học ngoài sân bóng, dự án vẫn chưa có mặt bằng xây dựng.
Bà Bùi Thị Minh, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền, cho biết 994 học sinh của ba khối đang phải học trong 21 phòng học. Các lớp học được dựng bằng cót tre, lợp mái fiproximăng. Năm 2008, có thêm cơ sở 2 với năm phòng học mượn tạm trong ngõ nhỏ thuộc khu 8 phường Cao Thắng, TP Hạ Long.
Sau mỗi tiết học các cô giáo bộ môn không có thời gian nghỉ ngơi lại phải di chuyển tới cơ sở 2 này cách trường gần một km…Không có phòng chức năng nên phòng thí nghiệm, thư viện, nhiều thiết bị phụ trợ phục vụ dạy học phải đem gửi.
Giáo viên chủ yếu dạy chay bởi rất khó áp dụng các phương pháp dạy học mới… Một giáo viên cho biết, các tiết thực hành môn Tin học được hiệu trưởng bố trí ngay tại phòng khách của gia đình. Để học môn thể dục, học sinh phải di chuyển tới tận SVĐ Hà Lầm, TP Hạ Long cách trường gần bốn km. Tháng 6/2008, giông lốc cuốn bay mất mái một phòng học.
Chờ đến bao giờ?
Làm việc với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dần – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Công trình Giáo dục, Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, dự án xây trường PTTH Ngô Quyền có quy mô gồm hai tòa nhà ba tầng với 24 phòng học và các công trình phụ trợ khác với tổng vốn đầu tư là 22,3 tỷ đồng.
Trường xây xong sẽ đạt chuẩn quốc gia và có diện tích gần 12.000 mét vuông. Diện tích đất hiện có chỉ là 6.200 mét vuông và để đủ đất xây trường chuẩn cần phải đền bù giải phóng mặt bằng của 21 hộ dân với 5.276 mét vuông quanh trường. Dự án đang phải ngừng lại vì dân không chịu nhận đền bù. Trong các phương án đưa ra có cả phương án bố trí đất tái định cư nhưng đến nay TP Hạ Long vẫn chưa bố trí được.
Theo ông Dần, vấn đề ở đây không phải là cơ quan nào có lỗi mà chính là lỗi cơ chế vì giá đền bù đất cho dân quá thấp. Nếu tỉnh không có một cơ chế khác, dự án sẽ không biết đến khi nào được triển khai.
|
Thành Duy (Theo TPO)
Bình luận (0)