Loại hình du lịch văn hóa – tâm linh phát triển trong vài năm gần đây đang khiến Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn suốt năm, thay vì chỉ đông khách vào mùa hè nhờ du lịch biển, đảo.
Theo Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, trong quý 1 vừa qua, lượng du khách đến Quảng Ninh ước đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó, có hơn 70% du khách nội địa, hầu hết trong số đó đi du lịch tâm linh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Quảng Ninh, vốn phụ thuộc vào du lịch biển đảo truyền thống, dù khách du lịch tâm linh đến Quảng Ninh hiện vẫn tập trung vào mùa lễ hội đầu năm.
Ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ninh cho rằng với hơn 600 di tích văn hóa – lịch sử trên địa bàn, Quảng Ninh rất có ưu thế để phát triển du lịch tâm linh quanh năm. “Vấn đề là Quảng Ninh phải tạo cho họ sự thoải mái, thanh bình và thuận tiện khi về nguồn. Việc này cần có các nhà đầu tư tầm cỡ để hỗ trợ cho du lịch tâm linh phát triển”, ông Long phân tích.
Cần nhà đầu tư có tâm
Được coi là “trung tâm Phật giáo” của VN, Yên Tử luôn là đích đến của Phật tử. Trung bình mỗi mùa lễ hội, nơi đây đón từ 2,5 – 3 triệu lượt khách. Riêng năm 2016, ngày cao điểm, Yên Tử có tới 6 vạn lượt khách. Đáng chú ý là từ đầu mùa hội, du khách đều được hỗ trợ và hầu như không có sự cố đáng tiếc nào về an ninh trật tự hay vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu di tích, danh thắng Yên Tử, thành công kể trên là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị này với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tùng Lâm – doanh nghiệp đã có nhiều năm đầu tư tại Yên Tử.
Theo đó, để giữ không khí linh thiêng của cõi Phật, Công ty Tùng Lâm đã chuyển toàn bộ khu dịch vụ ăn uống ra khỏi chùa Hoa Yên và gom lại tại dốc Hạ Kiệu, không bán thịt thú rừng và phối hợp với lực lượng chức năng làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh ATTP.
Trong mùa lễ hội, doanh nghiệp này thường xuyên bố trí khoảng 100 công nhân và kết hợp với hơn 300 học viên Học viện Cảnh sát nhân dân để giữ vệ sinh an ninh trật tự, đồng thời truyền thông bằng những khẩu hiệu rất sáng tạo và dễ nhớ: “Vứt rác bừa bãi, ngàn vái bằng không”, “Đường lên chùa Đồng, nói không với rác”… đã giúp nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường của khách hành hương.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã duyệt phương án hoạt động của hệ thống xe điện mà DN này xin đưa vào sử dụng, giúp vận chuyển du khách từ bến xe vào ga cáp treo với giá 10.000 đồng/lượt. Chia sẻ với Thanh Niên, một số du khách đến Yên Tử cho biết nhờ xe điện và cáp treo, người hành hương có thể leo lên được chùa Đồng trên đỉnh cao 1.068 m và trở về trong ngày, thay vì phải ngủ lại Hoa Yên như những năm trước.
Nối tiếp Yên Tử, chùa Ngọa Vân (H.Đông Triều, Quảng Ninh) gần đây cũng khai trương hệ thống cáp treo trị giá 500 tỉ đồng của Công ty TNHH Tâm Đức. Nhờ có cáp treo, mỗi ngày khoảng 5.000 du khách đã đến được với chùa Ngọa Vân, vốn tọa lạc “trên mây”.
Dù vậy, nhìn chung nhà đầu tư vào du lịch tâm linh đến với Quảng Ninh vẫn chưa nhiều. Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho rằng: “Tâm linh là lĩnh vực rất đặc thù nên nhà đầu tư vừa phải có tầm, vừa phải có tâm. Những doanh nghiệp đã gắn bó Yên Tử hay Ngọa Vân đều là những doanh nghiệp rất bản lĩnh, họ phần nào đạt được sự hài hòa giữa kinh doanh và hoạt động xã hội thì du khách mới sử dụng dịch vụ, du lịch tâm linh vì thế mới trở thành sản phẩm bốn mùa”.
Bích Ngọc (TNO)
Bình luận (0)