Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quảng Ninh vẫy vùng trong biển nước

Tạp Chí Giáo Dục

Đến cuối ngày 29-7, trận mưa lịch sử ở Quảng Ninh làm 18 người chết, hơn 3.700 hộ dân bị ngập lụt. Toàn tỉnh đối diện nguy cơ bục vỡ bãi than, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 29-7, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết đợt mưa kinh hoàng diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh khiến 18 người chết, 6 người mất tích, gây thiệt hại tài sản ước tính trên 1.000 tỉ đồng.

3.700 hộ dân bị ngập lụt

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến chiều 29-7, giao thông ở TP Hạ Long và TP Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn. Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu (TP Hạ Long), phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) và đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) ngập từ 1,5 đến 2 m; nhiều nhà ngập đến mái, thậm chí ở đảo Bản Sen có nơi nước dâng hơn 10 m.

Đông đảo người dân tham gia tổ chức lễ tang cho 8 người trong gia đình anh Cao Tiến Vỹ Ảnh: Trọng Đức
Đông đảo người dân tham gia tổ chức lễ tang cho 8 người trong gia đình anh Cao Tiến Vỹ Ảnh: Trọng Đức

Đến chiều cùng ngày, tình trạng ngập cục bộ vẫn xảy ra trên một số tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 18, Tỉnh lộ 334, 326, 328 (đường tránh phía Bắc TP Hạ Long). Riêng tại TP Hạ Long, đã có 15 nhà (tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Khẩu) bị sập hoàn toàn; 50 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại 2 ha đầm nuôi trồng thủy sản; 1.030 con gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Tại TP Cẩm Phả, trên 2.000 hộ dân tại các phường Quang Hanh, Cẩm Bình, Cẩm Tây… đang “vẫy vùng” trong biển nước. Khoảng 40 hộ dân khu vực phường Mông Dương, bãi thải Đông Cao Sơn của TP này bị bùn thải tràn vào nhà. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân nơi đây, ước trên 100 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại huyện Vân Đồn, sáng 29-7, tại triền đồi khu vực cầu 2 Vân Đồn đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông giữa Cẩm Phả với Vân Đồn. Hồ Lòng Dinh đang thi công đã bị vỡ vai đập 30 m, sâu 10 m. Tại đảo Ngọc Vừng, bờ kè hồ chứa nước bị sạt lở một đoạn dài khoảng 35 m; 2 nhà dân bị sập; ngập úng khoảng 313 ha lúa non và 30 ha cam… Tổng thiệt hại tại huyện Vân Đồn ước khoảng 120 tỉ đồng.

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đến chiều 29-7, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt trên địa bàn tỉnh trên 3.700 hộ. Cùng với đó, rất nhiều tài sản của người dân bị mưa lũ cuốn trôi, thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài 18 người chết , hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 6 ngư dân bị mất tích trên một tàu cá trong khi di chuyển từ Bạch Long Vĩ về Cô Tô.

Lo vỡ bãi than, dịch bệnh sinh sôi

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh đang triển khai xử lý các điểm ngập lụt, các vị trí sạt lở làm ách tắc giao thông; khẩn trương di chuyển các hộ dân ở vùng nguy hiểm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đặc biệt, ngành than phải kiểm soát các bãi thải hầm lò, phối hợp với các địa phương để di chuyển các hộ có nguy cơ bị sạt lở về địa điểm an toàn.

“Nghiêm trọng nhất hiện nay là tình trạng bãi thải của một số mỏ than trên địa bàn phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) bị ngập nặng, tiềm ẩn nguy cơ bục vỡ nếu mưa to tiếp tục xảy ra” – ông Long lo lắng. Trong ngày 29-7, phường Mông Dương đã vận động, tuyên truyền, thậm chí cưỡng chế các hộ dân sống trong khu vực trung tâm của phường di chuyển đến nơi khác. Do hậu quả của mưa lũ, các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đều bị ảnh hưởng nặng nề, công việc sản xuất kinh doanh, khai thác than bị đình trệ.

Trong khi đó, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đánh giá trận mưa lũ khủng khiếp khiến tỉnh Quảng Ninh thiệt hại quá nặng nề, nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. “Do dồn sức cứu dân nên nói thật, chúng tôi chưa có phương án cụ thể để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh và tiềm ẩn những bất ổn” – ông Hậu nói.

Không thể dự báo (?)

Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí nói trên, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết đây là đợt mưa lớn chưa từng có trong lịch sử tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, ông Hoàng Đức Cường, trong đợt mưa này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã có nhận định từ sớm về diễn biến phức tạp và nguy hiểm của thời tiết. Từ ngày 22-7, trung tâm đã có bản tin cảnh báo sẽ có mưa lớn dài ngày, nguy cơ lũ quét xảy ra trên diện rộng ở khu vực Đông Bắc Bộ, trong đó có Quảng Ninh. “Mặc dù cảnh báo là mưa lớn trên diện rộng như vậy nhưng tại thời điểm đó không thể đưa ra nhận định cụ thể được về lượng mưa kỷ lục như đã xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là điều không thể dự báo trước và bất khả kháng” – ông Cường nói.

Hỗ trợ người bị nạn

Sáng 29-7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phát động chiến dịch vận động đóng góp, hỗ trợ người dân gặp nạn, thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Hưởng ứng vận động này, chiều cùng ngày, Công ty Vận tải T-H (TP Hải Phòng) đã nhờ phóng viên Báo Người Lao Động trao 5 triệu đồng hỗ trợ cho anh Cao Tiến Vỹ (phường Cao Thắng, TP Hạ Long), người duy nhất trong gia đình có 8 người bị thiệt mạng vào ngày 28-7.

Cũng trong ngày 29-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi 450 triệu đồng hỗ trợ các gia đình bị nạn với mức gia đình có người chết, mất tích 5 triệu đồng/người; người bị thương: 3 triệu đồng/người; nhà chính bị sập, đổ, trôi hư hại hoàn toàn: 10 triệu đồng/nhà.


Theo NLĐ

Bình luận (0)