Theo Đề án phát triển giáo dục đến năm 2020 của tỉnh Quảng Trị được trình bày tại kỳ họp HĐND lần thứ 17, khóa VI, hệ thống giáo dục của tỉnh đến 2020 có 511 trường và trung tâm. Ngành giáo dục sẽ tiến hành sáp nhập các trường tại các xã/phường/thị trấn mà quy mô dưới 15 lớp ở vùng đồng bằng, dưới 10 lớp đối với miền núi; xây dựng 5 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, đầu tư thiết bị dạy nghề để học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề. Bổ sung quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất trường phổ thông dân tộc bán trú, khu nội trú học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn và nhà công vụ cho giáo viên. Theo đề án, nhu cầu sử dụng quỹ đất của ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đến 2020 là khoảng 729ha, cần bổ sung thêm 185ha. Tổng nguồn vốn để thực hiện đề án từ nay đến năm 2020 là 690 tỷ đồng; trong đó vốn xây dựng cơ bản tập trung của tỉnh là 170 tỷ đồng, chương trình mục tiêu 40 tỷ, kiên cố hóa trường lớp học 392 tỷ, viện trợ 58 tỷ, xã hội hóa 23 tỷ… Trong kỳ họp này, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 1.200 học sinh bỏ học. Một điểm đáng chú ý là hiện tỉnh Quảng Trị đang dư thừa khoảng 300-400 giáo viên, việc trả lương cho đội ngũ giáo viên dư thừa này gặp khó khăn. Số liệu này do ông Nguyễn Hồng Thái, kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực II, cho hay.
Nguyên nhân tình trạng giáo viên dư thừa là do trường, lớp, học sinh giảm trong những năm qua. Để giải quyết vấn đề này, bước đầu UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh giảm 95 chỉ tiêu sự nghiệp giáo dục thừa ở các huyện/thành phố để bổ sung cho những đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, toàn ngành có 12.738 biên chế/13.427 biên chế được giao năm 2015, thiếu 689 biên chế (chủ yếu là giáo viên tiếng Anh) gây khó cho việc dạy và học. Về vấn đề này, theo đại diện Sở Nội vụ, nguyên nhân là Sở GD-ĐT không chủ động trong việc điều động giáo viên để cân đối mà chỗ nào thiếu là cứ tuyển thêm vào gây ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)