Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Quảng Trị: Hồ tiêu chết vì thiếu… chăm chỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Cty thương mại Quảng Trị (QT) – đơn vị chủ đề án khôi phục hồ tiêu vùng Cùa (huyện Cam Lộ, tỉnh QT) – cùng các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Huế và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức hội nghị ngay tại vùng Cùa ngày cuối tháng 10.2011 để cùng đi tìm lời giải: Vì sao hồ tiêu chết hàng loạt? Và có thể làm sống lại thương hiệu tiêu Cùa được không?

Vùng Cùa thuộc Cam Lộ có trên 3.000ha đất đỏ badan với các điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp để trồng cây hồ tiêu. Vào những năm 1980, tại đây đã có trên 1.500ha hồ tiêu, tạo ra những giá trị kinh tế lớn, mang lại các huân chương lao động, danh hiệu anh hùng lao động cho nhiều tập thể, cá nhân. Nhưng trong khoảng 5 năm lại đây, vườn tiêu bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái, chết hàng loạt. Ông Hồ Xuân Hiếu – Tổng GĐ Cty TNHH MTV thương mại QT – nói: “Đến nay, hồ tiêu trên toàn huyện Cam Lộ chỉ còn chưa đầy 500ha, giảm hơn một nửa so với năm 2000 và nguy cơ giảm nhanh hơn nữa đã rất rõ ràng. Nếu không có ngay những giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì hồ tiêu QT nói chung và tiêu Cùa nổi tiếng nói riêng sẽ… mất trắng, trong khi giá tiêu trên thị trường đang ngày càng đắt đỏ”.

Tiến sĩ Lê Văn Luận đến từ Trường Đại học Nông nghiệp Huế cho rằng, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt thời gian qua là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân như biến động giá gây bất lợi cho người trồng, nhiều diện tích đã hết chu kỳ khai thác, sâu bệnh hại ngày càng tăng, các biện pháp canh tác, thâm canh chưa tới chuẩn nên năng suất thấp…

Dù vậy, không thể lảng tránh một sự thật là suốt cả một thời gian dài, rất dài, trong khi người trồng tiêu khóc hết nước mắt trước cảnh vườn tiêu lăn ra chết, thì gần như không thấy bóng dáng các cơ quan chức năng, các cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp xuất hiện để tìm hiểu, giúp đỡ người nông dân. Phát biểu của người trồng tiêu Nguyễn Văn Kỷ đã nêu rõ sự thật này: “Khi hồ tiêu chết dữ quá, dân kêu quá, có cán bộ dự án IPM từ trên về hỗ trợ, hướng dẫn giúp dân ngăn chặn tình trạng tiêu chết; sau khi cán bộ dự án rời khỏi Cùa thì tiêu cũng… đi theo luôn, chết hết, không cứu được cây nào…”.

Ông Nguyễn Đình Tụng – đại diện Hiệp hội Hồ tiêu VN – nói rằng, hồ tiêu là loài cây “nhà giàu”, nó đòi hỏi sự chăm sóc, nuôi dưỡng không chỉ đầy đủ mà phải đúng cách nữa. “Những triệu phú, tỉ phú hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên cho thấy chính niềm đam mê lao động, khát vọng làm giàu, đặc biệt là sự chăm chỉ – ngày đêm miệt mài bên cây hồ tiêu. Không có đủ sự chăm chỉ, siêng năng để theo dõi, xử trí đối với từng cây tiêu thì hậu quả là tiêu sẽ chết vì nhiều bệnh tật, lý do khác nhau” – ông Tụng nhấn mạnh. Chấp nhận triết lý tiêu chết một phần vì thiếu… chăm chỉ, 30 hộ dân đầu tiên ở vùng Cùa đã ký cam kết thực hiện thí điểm dự án phục hồi cây hồ tiêu trong 2 năm 2011 – 2012, với diện tích 1.000m2/hộ; để tiến tới mốc 500ha hồ tiêu ở Cùa năm 2015 và đến 2020 phải có 1.000ha.

LAM CHI

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)