Đó là một trong những nội dung được thông qua tại kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Trị, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, vừa diễn ra ngày 28-3. Theo đó, qua bàn bạc, thảo luận, HĐND tỉnh thống nhất về định mức hỗ trợ, với 3 mức tùy theo địa bàn và khoảng cách dành cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thông qua mức hỗ trợ: Mức I hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng; mức II hỗ trợ 500.000 đồng; Mức III hỗ trợ không quá 300.000 đồng/tháng/người. Hỗ trợ tối đa không quá 9 tháng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp giáo dục hàng năm theo phân cấp hiện hành.
Nhiều trường miền núi, việc đi lại dạy liên trường của giáo viên gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Một tiết học của HS Trường THPT Đakrông)
Theo tờ trình của UBND tỉnh, thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD-ĐT, trước khi sáp nhập, toàn tỉnh Quảng Trị có 476 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến tháng 12-2021 còn 368 đơn vị, giảm 108 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập (tỉ lệ giảm 22,5%).
Về điểm trường: Đến tháng 5-2022, toàn tỉnh có 894 điểm trường; số điểm trường trung bình toàn tỉnh: Đối với tiểu học là 2,3 điểm trường/trường; đối với mầm non là 2,7 điểm trường/trường. Mỗi trường TH-THCS có ít nhất 2 điểm trường, cá biệt có trường có 9 điểm trường.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ về cắt giảm 10% chỉ tiêu số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với ngành GD-ĐT giai đoạn 2020-2025 đã ảnh hưởng đến việc bố trí công tác của giáo viên, nhân viên tại các sơ cở giáo dục công lập. Mặt khác, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều môn học mới như: Môn hoạt động trải nghiệm, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… đặc biệt, đối với khối THPT học sinh được lựa chọn môn học khi tuyển sinh vào lớp 10 làm ảnh hưởng đến cơ cấu đội ngũ hằng năm, dẫn đến thừa, thiếu cục bộ giáo viên các môn học.
Từ thực tiễn nêu trên, ngành GD-ĐT và các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó giải pháp bố trí giáo viên, nhân viên làm việc liên trường đang được áp dụng tại nhiều địa phương, đơn vị. Giai đoạn 2021-2023, hằng năm có từ 150-170 giáo viên, nhân viên được bố trí làm việc liên trường; cùng với thực trạng giáo viên, nhân viên bố trí làm việc liên trường, toàn tỉnh hiện nay còn có khoảng 830 giáo viên, nhân viên làm việc tại nhiều điểm trường.
Việc giáo viên, nhân viên phải làm việc liên trường hoặc làm việc tại nhiều điểm trường đang gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc di chuyển giữa các trường, điểm trường và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo phân công. Tuy nhiên, hiện nay, Trung ương và địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường, tạo sự công bằng trong bố trí công tác; đồng thời làm ảnh hưởng đến công tác bố trí đội ngũ để giải quyết tình trạng giáo viên thừa thiếu cục bộ các môn học khi thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.
Như vậy, việc thông qua các mức hỗ trợ sẽ góp phần giúp giảm bớt một phần khó khăn cho giáo viên, nhân viên làm việc liên trường trong thời gian đến.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)