Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quảng Văn Đình

Tạp Chí Giáo Dục

Phía Nam thành Thăng Long – Hà Nội xưa có một ngôi đình, gọi là Quảng Văn Đình (ở vị trí Vườn Hoa Cửa Nam ngày nay). Quảng Văn Đình tức là ngôi nhà để nhà vua “rộng nghe” ý kiến của nhân dân. (Quảng: rộng; Văn: nghe; Đình: ngôi nhà hoặc trạm). Ở đình này có treo một cái trống lớn, để cho người dân mỗi khi có điều gì oan ức hoặc khẩn cầu triều đình cứu xét thì được đánh một hồi trống báo. Lập tức sẽ có một vị quan ra nhận đơn thỉnh cầu của người khiếu nại. Quảng Văn Đình cũng là nơi một vị quan của triều đình, gọi là quan Câu Kê, đến giảng bài, vào ngày mồng một đầu tháng, những điều khuyên răn của nhà vua để cho dân chúng nghe và làm theo (như là ta phổ biến chỉ thị ngày nay).
Khi thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội (và chiếm cả nước ta) thì Quảng Văn Đình vẫn còn đó, nhưng không còn là nơi để triều đình “rộng nghe” ý kiến của nhân dân nữa, không còn ai đến đánh trống để kêu oan hoặc trần tình như trước kia, và cũng chẳng có quan Câu Kê đến giảng “thập điều” (mười điều khuyên răn hoặc hiểu dụ) của triều đình nữa, mà chỉ là nơi Tây, đầm đến hóng mát và cũng là nơi chính quyền thực dân thường tổ chức những buổi hòa nhạc (bằng kèn Tây) của đoàn nhạc binh Pháp. Rồi Quảng Văn Đình bị phá hủy, nơi đây trở thành Vườn Hoa Cửa Nam và có đặt một pho tượng mụ đầm mặc váy xòe rộng, gây nên một cảnh chướng tai gai mắt. Vì thế có tên Vườn Hoa Đầm Xòe. Trước cảnh đổi thay đau buồn và lố lăng của buổi giao thời, một nhà nho yêu nước đương thời đã làm một bài thơ tức cảnh để bày tỏ nỗi niềm của người dân mất nước. Bài thơ vừa than vãn vừa trào lộng, được truyền tụng rộng rãi trong nhân dân từ hồi đó cho đến tận ngày nay.
Thơ rằng: “Nhớ Quảng Văn Đình, tớ đến nghe/ Câu Kê chẳng thấy, thấy Đầm Xòe/ Thập điều bặt tiếng ê a giảng/ Chỉ có kèn Tây thổi tí toe”.
Quảng Văn Đình không còn nữa, những chuyện xưa về Quảng Văn Đình thì vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân Hà thành và người dân cả nước.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Tư

Bình luận (0)