Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Quanh co vụ 108 tấn chân gà thối “mất tích”

Tạp Chí Giáo Dục

Để “truy tìm” 108 tấn chân gà thối được nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Theo tài liệu từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), ngày 1 và 10/9, 108 tấn chân gà chứa trong 4 container nguồn gốc từ Ấn Độ được Cty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Quảng Ninh (trụ sở tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhập khẩu vào Việt Nam thông qua cửa khẩu Chi cục Hải quan Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng). Phát hiện lô hàng có vấn đề, ngày 19/9, Cơ quan thú y vùng 2 (Bộ NN&PTNT)- cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra.
Cả hai lần lấy mẫu kiểm tra, các kết luận kiểm nghiệm cho thấy các mẫu kiểm tra đều có hiện tượng phân hủy, có mùi ôi và một số chỉ tiêu vi sinh vượt quá giới hạn cho phép, không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm để gia công chế biến làm thực phẩm cho người.
 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Chưa hết, giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, một loại giấy chứng nhận cần thiết cho việc nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu là giấy chứng nhận “giả”. Phía chủ hàng chỉ xuất trình cho cơ quan chức năng Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y của một Bệnh viện thú y thuộc một trường đại học thú y không rõ địa chỉ. Thậm chí, trên Giấy chứng nhận “giả” này, nhà “sản xuất” Giấy chứng nhận “giả” cũng không “lỡ” làm “giả” việc ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất và nhà nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 57/2011, Quyết định 15/2006 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Theo quy định của Bộ NN&PTNT, chỉ có Cơ quan thú y mới có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y cho sản phẩm động vật được xuất nhập khẩu. 
Tiếp đó, Cơ quan thú y vùng 2 yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng nghiêm túc thực hiện quy định về thông quan đối với hàng hóa là sản phẩm đông lạnh, phải tạm dừng việc nhập khẩu các loại phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh; kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan thú y vùng 2, lô hàng 108 tấn chân gà “thối” đã được vận chuyển ra khỏi khu vực Cảng Hải Phòng từ ngày 14/10.
Ngay khi phát hiện lô hàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm “mất tích” khỏi Cảng Hải Phòng, ngày 8/11, Cơ quan thú y vùng 2 đã đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng cùng chủ hàng cung cấp thông tin về lô hàng. Nhưng theo báo cáo của Cục thú y vùng 2 thì Cục Hải quan Hải Phòng đã không “đến” và chủ hàng cũng “bóng chim, tăm cá”.
Trước sự việc 108 tấn chân gà "thối" bị “mất tích”, ngày 9/11, Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Văn Cường đã có công điện yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng phải báo cáo nhanh vụ việc về Cục Giảm sát quản lý – Tổng cục Hải quan trước 10 giờ 30 ngày 10/11.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chi cục Hải quan Đình Vũ, sở dĩ lô hàng 108 tấn chân gà "thối" đã được chủ hàng đưa ra khởi Chi cục Hải quan Đình Vũ vì Chi cục này không nhận được bất kỳ thông tin hoặc văn bản nào của Cơ quan thú y vùng 2 liên quan đến lô hàng.
Cũng phải tới ngày 17/11, ông Trần Văn Hội, Cục phó Cục Hải Quan Hải Phòng mới có báo cáo chính thức với Tổng cục Hải Quan, theo báo cáo này, lý lẽ của Cục Hải quan Hải Phòng đưa ra hết sức chông chênh: Mãi tới ngày 10/10, Cục Hải quan Hải Phòng mới nhận được thông tin từ Cơ quan thú y vùng 2 yêu cầu phải cho tiêu hủy hoặc tái xuất lô hàng. Tuy nhiên, từ trước đó, ngày 5/10, 108 tấn chân gà thối đã “lọt” qua cửa ải Hải quan Hải Phòng.
Cũng theo Cục Hải quan Hải Phòng, do DN mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Móng Cái – Cục Hải quan Quảng Ninh nên Cục Hải quan Hải Phòng không có tài liệu về lô hàng để báo cáo Tổng cục Hải quan theo yêu cầu. Tuy nhiên, trước đó, ngày 9/11, Cục thú Y- Bộ NN & PTNT đã có công văn gửi tới Tổng cục Hải Quan, tỏ rõ việc quan ngại lô hàng 108 tấn chân gà "thối" đã được tuồn ra thị trường. Cục Thú y đề nghị Tổng cục Hải quan cho biết hiện lô hàng đã được vận chuyển đi nơi khác (ra khỏi khu vực Cảng Hải Phòng, nơi lô hàng nhập khẩu – PV) thì thời gian vận chuyển từ bao giờ, ngành Hải quan có biện pháp quản lý, giám sát 108 tấn chân gà "thối" như thế nào để không bị tuồn ra thị trường.
 
Theo Nam Khánh
(PL&XH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)