Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Quê hương” của Đỗ Trung Quân

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa sáng sớm, nhà thơ Đỗ Trung Quân nhận được tin con gái đầu lòng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ra đời. Đỗ Trung Quân rất vui mừng vì đó là con của người bạn đồng khóa tốt nghiệp sư phạm, người bạn, người đồng đội thanh niên xung phong, người bạn văn thơ từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt cha cháu bé vừa báo tin ngày sinh con lại vừa báo tin tên cháu là Quỳnh Như cùng đặt với ngày sinh. Cái tên Quỳnh Như, một khẳng định tên đất, tên người, tên quê hương. Cả ngày hôm ấy, hai tiếng “quê hương” như hơi ấm, như ánh lửa, như giọt nước chập chờn, ẩn hiện trong tâm trí nhà thơ Đỗ Trung Quân.
– Bây giờ là tặng cái gì cho cháu Quỳnh Như? Có lẽ người ta sẽ tặng nhiều thứ, nào đồ chơi, nào lụa, nào sữa, nào hoa… Nhưng nhà thơ sẽ tặng cho bé một cái gì lớn lên bé hiểu, lúc ở bé quý yêu, lúc xa bé nhớ tiếc, thiếu cái ấy một ngày bé cảm thấy mất mát đau khổ, vắng cái ấy bé cảm thấy cô đơn hụt hẫng, có cái ấy là có rất nhiều… Cái ấy chính là bài thơ viết về “Quê hương” cho bé Quỳnh Như – cũng là bài thơ “Quê hương” cho tuổi thơ. Gần hết nửa đêm, nhà thơ trải chiếu ngoài thềm để nghe hơi thở khuya, nắm bắt mạch cảm của khuya. Bỗng cơn gió rao rao trên mấy ngọn cây, rồi từ phía mấy lùm tre một cái gì lóe sáng. Một vầng trăng lên khoáng đạt. Nhà thơ như một cơn mơ nhìn thấy đủ lấm tấm mày bạc lóe sáng. Đúng là hoa cau rồi. Hoa cau tuổi thơ đã từng đứng dưới sân nhà mẹ hai tay hứng lấy hoa, hoa rơi xuống êm êm đầy hai bàn tay. Còn đợi gì nữa mà không chớp lấy hồn vía hoa cau, hồn vía ánh trăng của một đêm Tân Bình xa xưa tuổi nhỏ: “Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm”. Sau đó nhà thơ nghĩ đếncánh diều trong truyện “Ông trạng chơi diều” Nguyễn Hiền. Ông Nguyễn Hiền chơi diều để tìm tài năng giữa một bầu trời trưa lộng gió. Còn cánh diều của Đỗ Trung Quân màu xanh biếc thả lên từ mảnh đất Tân Bình hồi ấy còn nhiều ruộng, nhiều gò, nhiều ao hồ. “Quê hương là con diều biếc/ Chiều chiều con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông…”. Thế là có thêm bốn câu thơ thanh mảnh như một trang minh họa về quê hương. Chiều biếc của cánh diều như níu với chiều khói của bát canh rau và chiều của bàn tay mẹ hái lá mồng tơi. Chính đây là bức tranh chiều quê hương tuổi nhỏ. Trong bức tranh thơ, nhà thơ văng vẳng nghe tiếng mẹ gọi, nghe mùi bát canh, nghe tiếng ríu ran giờ tan học: “Quê hương là bàn tay mẹ/ Dịu dàng hái lá mồng tơi/ Bát canh ngọt ngào tỏa khói/ Sau chiều tan học mưa rơi”. Rồi như từ trong tuổi thơ nhà thơ vụt chạy đến góc sân chỗ cây khế ngày xưa cậu bé Đỗ Trung Quân hàng ngày trèo lên hái trái: « Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày”
Bây giờ bài thơ “Quê hương” đến với bé “vừa khi mở mắt chào đời” cũng là lúc nhà thơ tưởng đến bài thơ bên vành nôi bé cùng với giọt sữa của mẹ bé – giọt sữa quê hương – và cũng chỉ có quê hương, cũng chỉ có mẹ là một của bé mà thôi: Quê hương là dòng sữa mẹ/ Thơm thơm giọt xuống bên nôi/ Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi”.
Quê hương là thế đó của Quỳnh Như, cũng là lời mẹ lời quê hương chuyền từ người này đến người kia, từ đời này đến đời kia, đều bắt đầu từ tuổi thơ, tuổi bình minh như bé Quỳnh Như bây giờ. Nếu nói với bé Quỳnh Như, chỉ một lời từ bây giờ và đến khi bé khôn lớn quê hương là chùm khế ngọt của tuổi thơ. Đấy cũng là tâm sự của nhà thơ Đỗ Trung Quân khi nói với tôi.
TRÚC CHI

Bình luận (0)