Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Quê hương” của Giang Nam

Tạp Chí Giáo Dục

“Quê hương” là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Giang Nam viết năm 1960 ở miền Tây tỉnh Khánh Hòa. Đó là một thời kỳ rất đặc biệt: gian khổ, đau thương.
Những năm tháng ấy, nhà thơ Giang Nam đang hoạt động bí mật tại vùng Sông Cái – Hòn Dù. Ngày tháng ngóng tin, đêm đêm đón người lên cơ sở, nỗi đau nỗi giận cứ thắt ruột thắt lòng bởi người vợ thương yêu cùng đứa con mười tháng tuổi bị giặc bắt không biết sống chết hay giam cầm ở đâu?
Vào một đêm nằm trên chiếc võng mắc hai đầu cây bên suối, nhà thơ thao thức không ngủ được. Hình ảnh làng xóm quê mình cứ hiện ra. “Con mắt” của từng ngôi nhà, từng cửa ngõ, từng đồng bào, đồng chí như nhìn vào nhà thơ để hỏi điều gì đó. Đêm ở rừng núi đi vào vắng lặng, từ trong cái vắng lặng đó nhà thơ nghe rõ tuổi thơ mình. Bây giờ những nơi ấy, chỗ ấy là bãi bắn, bãi giết của giặc. Hình ảnh người vợ, người con gái hiện lên nghe gọi rõ từng tiếng. Những nỗi nhớ ban đầu về người vợ, người con gái, về những ngày kháng chiến, về tiếng cười tuổi thơ, tiếng cười bẽn lẽn tình yêu khi thấy mình khóc vì bị mẹ đánh đòn, khi được mình cầm tay. Và đôi mắt nữa, đôi mắt đen tròn nhìn theo mình trong đoàn hành quân, đôi mắt đen tròn khi mình hỏi chuyện chồng con. Người con gái có lúc là hình ảnh người vợ, có lúc là người con gái mà mình chưa quen biết. Tất cả như được quyện vào câu chuyện được sắp xếp có lớp lang, có tuần tự, có khi như là mình tưởng, có khi như là sự thật. Thật như là vợ mình là cô du kích, thật như là người con trai nghe tin người con gái đã bị giặc giết. Đó là lúc nhà thơ khóc lên thành tiếng, cùng lúc một đoạn thơ hiện lên từng câu từng chữ rõ ràng: “Hôm nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi!/ Đau xé lòng anh, chết nửa con người!”.
Trong mơ hồ, nhà thơ nghe bàn tay mình chạm vào tuổi thơ mình, cánh bướm, những trận đòn roi. Bỗng bất ngờ lạnh ngắt khi chạm đến xương thịt người em gái, người yêu mình và mảnh đất nơi mình sinh ra. Phải chăng đây là quê hương, cũng là bài thơ quê hương. Rồi những câu thơ quê hương cháy bỏng, da diết vang lên: “ Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi…/ Nay yêu quê hương qua từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”.
Đêm đó, trên cánh võng bên bìa rừng, nhà thơ Giang Nam viết một mạch xong bài thơ, một cái tên vụt gọi lên thành tiếng “Quê hương”.
Trúc chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)