Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Quế trị bệnh đái tháo đường

Tạp Chí Giáo Dục

Quế có vị cay, mùi thơm, được dùng để làm thuốc và gia vị trong chế biến thực phẩm. Từ xa xưa, quế là vị thuốc không thể thiếu trong các toa thuốc để điều trị viêm nhiễm, cảm cúm và rối loạn đường tiêu hóa. Y học phương Đông xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ.

Khoa học ngày nay đã xác nhận quế có tác dụng chống ôxy hóa cực mạnh. Trong tinh dầu quế có chất chống nấm và diệt khuẩn rất mạnh. Ngoài ra, quế còn là nguồn cung cấp chất xơ, canxi và sắt.

Đối với bệnh đái tháo đường type 2 và tiền đái tháo đường, quế giúp lượng đường huyết không tăng nhiều sau bữa ăn. Giống như insulin, quế làm tăng khả năng tiêu thụ đường trong các tế bào và góp phần điều hòa đường huyết từ trong gan. Một vài chất trong quế giúp các tế bào mỡ nhận dạng và phản ứng tốt đối với insulin. Quế còn làm trì hoãn thời điểm khởi phát bệnh ở những người có nguy cơ cao (béo phì, lối sống tĩnh tại, ít hoạt động…). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, như phụ nữ đang mang thai chẳng hạn thì không được sử dụng quế. Vì vậy, cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng quế trong điều trị.

Quế còn có nhiều tác dụng khác như cân bằng và hấp thu các chất trong đường tiêu hóa, điều chỉnh cân bằng chuyển hóa mỡ, loại bỏ mỡ có hại, ngăn chặn tình trạng béo phì, từ đó góp phần làm giảm nguy cơ đối với bệnh đái tháo đường. Quế còn giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, giảm stress…

Tuy vậy, trong quế cũng chứa một số chất có thể biến thành độc tố nếu ở hàm lượng cao nên người dùng cần thận trọng, dùng dưới 6 g (khoảng 1 muỗng cà phê lưng) mỗi ngày là an toàn.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn (NLĐ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)