Có nhiều hình ảnh được đưa lên internet với mục đích tốt. Ảnh: I.T |
Với đà phát triển vũ bão của kỹ thuật, việc học sinh có máy ghi âm, quay phim với kích thước nhỏ, có giá không cao là chuyện bình thường. Việc ghi âm ghi hình phục vụ học tập, vui chơi giải trí lành mạnh là rất tốt, nhưng đáng tiếc, nhiều học sinh đã lợi dụng chuyện này vào những mục đích không tốt (quay lén thầy cô giáo, và các bạn để làm trò cười, thậm chí còn đưa lên mạng để chế giễu vì hiềm khích…). Vấn đề “ghi âm, ghi hình trong khuôn viên nhà trường” đã được đưa ra bàn thảo trong những hội nghị về giáo dục tại Québec, nhưng kết luận cuối cùng vẫn còn ở dạng phác thảo…
Tạp chí Công đoàn Trung ương Québec có đề cập vấn đề bức xúc này và có đưa ra một số ý kiến:
Một hôm các thầy cô giáo Mauricie và Saguenay giật mình khi thấy hình của mình bị quay lén trên internet của một video clip. Hiện tượng này còn lẻ tẻ, nhưng chắc chắn rồi sẽ phổ biến. Vì chỉ cần truy cập trên Youtube sẽ thấy khi tham khảo “profs” (giáo sư) sẽ có tới 4.173 tài liệu, bao gồm nhiều tài liệu, ảnh của các người làm công tác giảng dạy thuộc nhiều nước. Đủ chuyện hay dở, tốt xấu!
Lúc nào giáo viên cũng có thể bị học sinh chụp ảnh, quay phim lén, vấn đề là hình ảnh đó bị đưa lên trang web một cách tùy tiện. Quan hệ thầy trò cần bình đẳng, dân chủ, nhưng nhiều lúc quan hệ đó đã đi đến “dân chủ quá trớn”, không thể chấp nhận được, nhất là khi học sinh dùng phương tiện thông tin công cộng như web để đưa hình ảnh, tin tức thầy cô giáo lên mạng mà không xin phép.
Năm vừa qua học sinh đã đưa hình một cô giáo lên internet để chế giễu hình dạng của cô.
Có một số trường cấm học sinh đưa máy ghi âm hay máy quay phim vào trường, nhưng lệnh cấm này không thực tế vì hai lẽ; nhà trường không có bảng cấm quay phim, chụp ảnh; với mobile phone nhỏ xíu học sinh có thể ghi âm chụp ảnh, quay phim mà không bị phát hiện.
Trước kia máy ghi âm, quay phim cồng kềnh, chỉ những người có trình độ mới sử dụng được. Ngày nay các máy đã thu lại rất nhỏ, chỉ lớn hơn bao diêm, dễ sử dụng, nên rất khó kiểm soát.
Học sinh là một công dân và chúng có nghĩa vụ chấp hành đúng mọi điều quy định của luật pháp, cũng như có quyền thực hiện những điều mà luật pháp không cấm, kể cả việc quay phim chụp ảnh những nơi không có bảng “cấm quay phim chụp ảnh”, và những nơi có quy định riêng về vấn đề này một cách rõ ràng công khai.
Các nhà giáo dục đều thống nhất ý kiến: chỉ còn một biện pháp là giáo dục ý thức tôn trọng kỷ luật, tôn trọng sự tự do và phẩm giá của người khác, có tinh thần tự giác, tự trọng. Làm sao cho học sinh thấy rằng ghi âm, quay phim lén lút dù với mục đích gì, cũng là một điều xấu hổ, nhục nhã, đáng khinh bỉ. Nội dung giáo dục này cần phải được thực hiện có bài bản, liên tục, ngay từ lớp nhỏ, xem như một bài về “đạo đức công dân”. Những trường hợp có chứng cứ rõ ràng về việc quay phim chụp ảnh lén lút để làm điều xấu, cần phải được phân tích mổ xẻ, phê phán, và nếu cần phải dùng hình phạt thích đáng.
Thành tựu về kỹ thuật thông tin và truyền thông là con dao hai lưỡi. Nó làm cho cuộc sống con người tốt đẹp, phong phú hơn hay xấu hơn, nghèo nàn hơn về mặt vật chất và tinh thần; nó thân thiện với con người hay nó đối địch với con người. Chính nhà trường với chức năng giáo dục, rèn luyện con người là nơi được xã hội giao phó để dạy cho học sinh biết cách sống, biết phân biệt phải trái, nói chung là biết thực hành đạo đức trong quan hệ xã hội. Tất nhiên sự phối hợp với gia đình xã hội là điều rất cần thiết.
Phan Thanh Quang
(Theo Tạp chí Công đoàn Trung ương Québec)
Bình luận (0)