Hội nhậpThế giới 24h

Quét laser, “thung lũng ma” 30.000 dân hiện ra giữa rừng Amazon

Tạp Chí Giáo Dục

Được mô tả là một phát hiện "không thể tin nổi", "bóng ma" khổng lồ của rừng Amazon là một thung lũng của các thành phố 2.500 năm tuổi.

Theo AP, phát hiện gây sốc về "thung lũng ma" này đến từ một mối hoài nghi từ hai thập kỷ trước của nhà khảo cổ học Stephen Rostain (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) khi thám hiểm rừng Amazon.

Đó là những gò đất và con đường bị chôn vùi được phát hiện rải rác ở phần rừng Amazon thuộc Ecuador.

Quét laser, "thung lũng ma" 30.000 dân hiện ra giữa rừng Amazon- Ảnh 1.

"Thung lũng của các thành phố bị mất tích" giữa rừng Amazon qua hình ảnh LiDAR. Ảnh: Science

Để có thể khám phá bí ẩn của một trong những khu rừng dày đặc và khó khảo sát nhất thế giới, TS Rostain và các cộng sự đã sử dụng LiDAR, một công cụ viễn thám ứng dụng tia laser để lập bản đồ 3D các cấu trúc ẩn.

Những gì hiện ra giữa cánh rừng hoàn toàn gây choáng váng: Đó là một mạng lưới định cư cổ đại gồm nhiều thành phố được kết nối với nhau.

Các khu định cư này đã được chiếm lĩnh bởi người Upano trong khoảng thời gian từ năm 500 trước Công nguyên cho đến khoảng những năm 300-600 sau Công nguyên.

Theo nhà khảo cố học Antonie Dorison, đồng tác giả, các cấu trúc cho thấy toàn bộ thung lũng ma này từng là nơi sinh sống của ít nhất 10.000 người trong khoảng 1.000 năm. Vào các giai đoạn cao điểm, dân số có thể đạt mức 15.000-30.000 người.

TS Rostain gọi đây là một phát hiện "không thể tin nổi", trong khi nhà khảo cổ học Michael Heckenberger từ Đại học Florida, người không tham gia nghiên cứu, bình luận: "Đối với khu vực, nó thực sự ở đẳng cấp riêng, xét về thời đại của nó".

Bình luận của TS Heckenberger ngụ ý trình độ xây dựng và tổ chức xã hội của các thành phố thuộc "thung lũng ma của rừng Amazon" phát triển vượt trội so với các nền văn minh trong khu vực và cả trên thế giới.

Các bằng chứng còn sót lại cho thấy họ có mạng lưới nghề nghiệp dày đặc và một xã hội cực kỳ phức tạp.

Nhà khảo cổ học Jose Irarte, người cũng đứng ngoài cuộc nghiên cứu, giải thích rằng sẽ cần một hệ thống lao động có tổ chức và phức tạp để xây dựng một mạng lưới đường sá bên trong và kết nối các thành phố cũng như các công trình đa dạng khác.

Chưa kể những người này còn phải đối diện với một thử thách lớn hơn, đó là xây dựng các thành phố bằng gạch bùn bởi không có sẵn lượng đá dồi dào như nơi người Maya hay Inca sinh sống.

Tất cả đã đảo lộn hoàn toàn quan điểm lâu đời cho rằng Amazon là một vùng hoang dã nguyên sơ, chỉ có những bộ lạc nhỏ sinh sống trong quá khứ.

Theo Anh Thư/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)