Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Quét nghĩa trang để làm cô giáo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi mới học lớp 4, cô bé ở ấp Xóm Mới (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã lẽo đẽo theo bà nội vào nghĩa trang đi quét lá. Bắt đầu từ đó cùng với các anh chị, em đã giúp cha mẹ có thêm cơm, thêm gạo nuôi đàn em nhỏ. Và cũng từ những đường chổi quét lá siêng năng mà cô bé đã thắp sáng được ước mơ của mình để hôm nay trở thành sinh viên lớp Tiếng Anh, khoa Sư phạm Trường Đại học Sài Gòn.
Mười tuổi đã biết giúp bà
Cô bé đó tên là Nguyễn Thị Bích Hoa. Hoa sinh ra trong một gia đình rất đông con. Trên Hoa có 2 người anh trai và một người chị, dưới Hoa còn những 6 đứa em lít nhít. Đã thế nhà chỉ có vài công ruộng và một mảnh vườn nhỏ của ông bà nội để lại. Người cha là lao động chính trong nhà nhưng đôi chân ông lại có tật không làm được công việc nặng, thỉnh thoảng có người gọi đi làm thuê làm mướn mà thôi. Mẹ Hoa thần kinh không ổn định lúc tỉnh, lúc mê, nhiều năm nay trở thành gánh nặng trong nhà. Nếu là một gia đình khá giả thì việc hằng ngày cha mẹ lo cho 12 miệng ăn cũng đã vất vả chứ chưa nói đến chuyện khác. Ngay từ khi mới lọt lòng chị em Hoa phải sống trong sự thiếu thốn, lớn lên một chút phải lao động để gánh bớt vất vả cho cha. Cũng vì lo bươn chải với cuộc sống mà 2 người anh và người chị của Hoa học hành chẳng đến nơi đến chốn, xong trình độ lớp 9 phải rẽ ngang để vào các xí nghiệp làm công nhân. Thấy gia cảnh con trai mình quá vất vả, bà nội thương tình đem các cháu về nhà chăm sóc và nuôi nấng. Thế là từ đó nhà bà nội trở thành khu “ký túc xá” của mấy chị em Hoa sau mỗi buổi đi làm, đi học về. Nhiều năm trước bà nội có chân trong nhóm những người quét dọn Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi nên thấy đứa nào lớn là bà giao cho một chiếc chổi để “hướng nghiệp”. Bất kể trai gái lớn nhỏ, mấy chị em Hoa ai cũng siêng năng chịu khó làm việc phụ giúp bà. Cứ sáng sớm bà cùng hai người em gái tuổi ngoài 50 dắt mấy đứa cháu nội vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện cách nhà 2 cây số để quét dọn. Nhìn thấy bà nội và hai bà dì hàng ngày vất vả với công việc nên mấy chị em Hoa không ai nỡ từ chối khi bà giao việc. Cả khu nghĩa trang có tới 9 ngàn ngôi mộ rộng mênh mông gần cả 10 héc – ta nên mấy bà cháu phải làm việc cật lực đến trưa mới được nghỉ. Nhưng đó thường là thời gian quét lá vào ba tháng hè còn trong năm học mấy chị em Hoa phải thức dậy từ 2 giờ khuya để quét lá rụng và ra về trước lúc mặt trời mọc để kịp đến trường. Dù mỗi tháng có thêm được vài trăm ngàn nhưng đối với chị em Hoa thật đáng quý vì nó giúp cho bà nội có tiền đong gạo, còn chị em Hoa mua sắm tập vở, quần áo và trang trải cho nhiều khoản chi tiêu khác. Sống trong sự đùm bọc và tình thương yêu của bà nội, mấy chị em Hoa rồi cũng lớn nhanh như trái bầu trái bí. Cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhà trường mà Hoa và mấy đứa em sau này được tiếp tục cắp sách đến trường, không đứa nào nghỉ ngang vì chuyện cơm áo cả. Học xong lớp 12 Trường THPT An Nhơn Tây, Hoa đậu thẳng vào lớp tiếng Anh khoa Sư phạm Trường Đại học Sài Gòn năm 2008.
Ước mơ đang được chắp cánh
Cuối năm vừa qua, chúng tôi có dịp cùng em trở lại thăm Nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi vào một ngày đẹp trời. Trong chuyến đi có bà Lê Minh Ngọc, đại diện cho Hội khuyến học TP.HCM trao cho Bích Hoa một suất học bổng 3 triệu đồng và 100 cuốn tập. Đặc biệt có một người mà em mới được làm quen, đó là cô Nguyễn Thị Quế Lan – một cựu nữ tù Côn Đảo nhận đỡ đầu em trong suốt những năm học ở trường đại học với học bổng 12 triệu đồng/ năm. Có được cơ duyên đó chính là nhờ Hội khuyến học TP. HCM làm chiếc cầu nối cho cô bé quét nghĩa trang và nhà tài trợ theo hình thức học bổng sinh viên 1-1.
Cùng mọi người ngồi trò chuyện dưới bóng cây xà cừ trong nghĩa trang, Bích Hoa nhớ lại: “Hồi đó con mới học lớp bốn vào nghĩa trang lần đầu toàn thấy mộ và cây cối um tùm nên cũng hơi… sợ sợ. Nhất là hôm nào đi quét ban đêm lại còn sợ… ma nữa, nhưng làm riết rồi cũng quen dần”. Chúng tôi thấy cây trong nghĩa trang đủ các loại xà cừ, dương, sứ, cau… cây nào tán cũng rộng cành xum xuê và dưới đất chỗ nào cũng có lá rụng. Bà nội Hoa kể: “Buổi sáng quét sạch sẽ chiều quay lại lá lại rụng đầy nhất là những hôm trời có nhiều gió lá dưới đất y như chưa quét”. Nhưng theo Hoa, vất vả nhất vẫn là dịp cuối năm hầu như lá rụng suốt ngày nên mấy bà cháu phải cặm cụi quét liên tục.
Cũng nhờ gắn bó với nghĩa trang gần hai mươi năm nay nên mấy bà cháu Hoa thuộc đường đi lối rẽ ở đây như trong lòng bàn tay. Em biết nơi nào là mộ phần của các liệt sĩ thời chống Pháp, thời chống Mỹ, nơi nào là khu mộ của những liệt sĩ vô danh, các anh hùng huyện Củ Chi như Phạm Văn Cội, Lê Thị Pha, Nguyễn Thị Rành… Ngoài những hôm quét lá, lúc rảnh rỗi Hoa cùng bà nhổ cỏ, tưới cây và lau chùi cho các ngôi mộ được sạch sẽ. Hoa tâm sự, lớn lên cùng với công việc quét nghĩa trang em thấy mình càng ngày càng gắn bó nơi đây, tình cảm thêm sâu nặng với những con người đang nằm sâu dưới lòng đất dù một lần em chưa gặp mặt. Như cô bé ấp Xóm Mới “tiết lộ”, cũng chính từ tình cảm đó mà em không còn… sợ ma như hồi còn nhỏ nữa. Đồng thời Hoa thấy việc làm của mình không chỉ là bổn phận mà còn trách nhiệm đối với cha anh đi trước.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)