Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Quí “vé số” vào ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Đậu ĐH với số điểm khá cao nhưng đường vào giảng đường của cậu đang rất chông chênh…

Cầm trên tay danh sách những thí sinh đạt điểm cao Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong đó có tên mình đạt 19 điểm khối A ngành dược thú y, Ngô Xuân Quí báo tin ngay cho mẹ. Suốt 12 năm qua, những tấm giấy khen của con trai mang về luôn là nguồn động viên để người mẹ nghèo đủ sức vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Còn giờ đây, biết tin con đậu ĐH, nghĩ đến tương lai con mình, bà chỉ biết giấu đi những giọt nước mắt.
 
Quí và mẹ trong căn nhà ẩm thấp. Ảnh: TH
Bán vé số dạo nuôi con ăn học
Quí là cậu học trò giỏi “nhưng nhà nó nghèo lắm”, một người dân ở ấp Thượng, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) bảo vậy. Mẹ Quí là bà Ngô Thị Hạnh, có bệnh tâm thần nhẹ nên hơi ngớ ngẩn, năm nay đã 60 tuổi. Gần hai chục năm nay, người mẹ ấy vẫn một mình tần tảo sớm hôm lo cho con mình ăn học bằng những đồng tiền kiếm được từ việc bán vé số dạo mỗi ngày.
Hôm chúng tôi đến, người mẹ phải lật đật chạy sang hàng xóm mượn ghế ngồi vì chiếc ghế duy nhất ở nhà cũng vừa mới gãy. Căn nhà của hai mẹ con chỉ rộng hơn 20 m2, là nhà tình thương do chính quyền địa phương cất cho. Nhà cất đã bảy năm, nay đã bắt đầu xuống cấp. Mái tôn mục, mưa dột xối xả, hàng xóm cho một tấm bạt nhựa trải lên che mưa. Căn nhà nhỏ chật chội được ngăn ra làm hai phần, phía trong là nơi mẹ nằm, bên ngoài là góc học tập và cũng là nơi ngủ của Quí, ngay trên nền nhà.
19 năm trước, chồng bà bỏ nhà đi khi Quí còn đỏ hỏn. Một thân một mình bà chỉ còn biết bồng con về quê sinh sống bằng nghề bán vé số. Con càng lớn, gánh nặng miếng cơm manh áo càng đè lên đôi vai gầy yếu của người mẹ. Chứng suy nhược thần kinh, đau khớp cũng không ngăn được bà bất kể ngày nắng hay mưa với những tờ vé số trên tay rảo khắp vùng quê, thị trấn. Những năm học THCS, ngoài giờ học, Quí cũng lẽo đẽo theo mẹ phụ bán vé số. Hôm nào Quí mệt, không theo nổi thì mẹ kiếm chỗ mát mắc võng để Quí nằm dưới bóng cây và tiếp tục rảo bước khắp nơi bán cho hết vé số mới quay lại rước con về. Những hôm trời mưa kéo dài, vé số không bán được thì hai mẹ con ăn mì gói hay rau luộc chấm nước tương qua ngày…
Khát vọng vươn lên bằng học vấn
Thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của mẹ nên Quí rất chăm học. Ngay từ tiểu học, Quí luôn là học sinh khá, giỏi. Đặc biệt hai năm học 11 và 12, Quí là học sinh giỏi của lớp 12A1, một “cây” toán và hóa xuất sắc của Trường THPT Vĩnh Bình.
Cái tên Quí của cậu có lẽ không mang nghĩa giàu sang, quý giá mà có nghĩa là sự quý mến, bởi trên thực tế nhờ đức tính ham học, cậu đã nhận được nhiều thiện cảm của mọi người. Lúc nhỏ, cậu bé Quí vẫn thường đến trường với những gói mì tôm của hàng xóm hoặc những người tốt bụng khác mang cho. Trong những năm học phổ thông, nhiều thầy cô, bạn bè đã chia sẻ, động viên cùng em, lúc thì những quyển sách cũ, khi vài trăm ngàn đồng hỗ trợ học phí. Anh Cao Hoàng Trung, nhà ở thị trấn Vĩnh Bình, người vẫn thường giúp đỡ Quí, cho biết: “Bà Hạnh hơi ngớ ngẩn nhưng rất thương con, mấy chục năm nay chỉ bán vé số nuôi con ăn học. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhín tiền ăn sáng gửi cho Quí được lúc nào hay lúc ấy”.
Ngày đi thi ĐH, các cô chú ở thị trấn thấy hoàn cảnh hai mẹ con quá khó khăn nên đã giúp 500.000 đồng và một số vật dụng để Quí “lai kinh ứng thí”. Cầm số tiền trên tay, Quí không dám xài hết mà đưa bớt cho mẹ, chỉ đem theo 300.000 đồng rồi đi nhờ xe của một vị bác sĩ lên TP.HCM. Không dám thuê nhà trọ, Quí lân la tìm nơi tá túc ở các nhà thờ, tu viện gần trường thi…
Tiền đâu để đi học?
Với số điểm khá cao đã đạt được, Quí cảm thấy vui và tự tin với học lực của mình nhưng trong khóe mắt vẫn ẩn sâu nỗi lo buồn. Đường đến giảng đường của em sẽ không chỉ có nước mắt của niềm hạnh phúc, tự hào mà còn có cả niềm trăn trở, lo âu của cảnh nhà khốn khó…
Quí tâm sự: “Em nghĩ chỉ có học giỏi thì cuộc sống của hai mẹ con sau này mới đỡ vất vả. Hơn nữa, em tự thấy mình phải có trách nhiệm học giỏi để trả hiếu cho mẹ, trả ơn thầy cô và những người đã thương yêu, giúp đỡ em. Nhưng em vẫn chưa biết làm thế nào để thực hiện ước mơ đó…”.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN / Phap luật

 

Bình luận (0)