Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Quốc gia châu Phi thông thạo tiếng Anh top đầu thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Trình độ thông thạo ngôn ngữ này của Nam Phi đứng trong top 10 thế giới, cao hơn nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ.

Nam Phi, một quốc gia nổi tiếng với sự đa dạng văn hóa phong phú và lịch sử phức tạp, là một ví dụ độc đáo ở lục địa châu Phi khi đề cập đến vấn đề ngoại ngữ và chất lượng giáo dục. Một trong những đặc điểm nổi bật của quốc gia này là khả năng thông thạo tiếng Anh. 

Năm 2023, Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First công bố bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Nam Phi đứng vị trí thứ 9 và được đánh giá ở mức thông thạo rất cao.

Nam Phi đứng vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng thành thạo tiếng Anh toàn cầu. 

Đáng chú ý, Nam Phi liên tục xếp hạng cao hơn nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Phần Lan, Bulgari hay Hungary. 

Ở khía cạnh lịch sử, bối cảnh ngôn ngữ của đất nước này được định hình sâu sắc bởi chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là thời kỳ thuộc địa của Anh vào thế kỷ 17. Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính thức trong thời kỳ này.

Kết quả là tiếng Anh không chỉ trở thành ngôn ngữ quản trị, sử dụng trong kinh doanh, đời sống cộng đồng mà còn là phương tiện giảng dạy trong hệ thống giáo dục.

Năm 1825, việc hợp pháp hóa tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức đầu tiên của Nam Phi đã được thực hiện. Đạo luật Giáo dục Smuts năm 1907 quy định việc dạy tiếng Anh là bắt buộc, quy định rằng mọi trẻ em phải học tiếng Anh ở trường. Các trường học tiếng Anh miễn phí được thành lập để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa tiếng Anh, theo nhà nghiên cứu Abraham Leslie Behr trong bài “Giáo dục ở Nam Phi: Nguồn gốc, Vấn đề và Xu hướng”.

Hiến pháp năm 1996 đánh dấu một thời điểm chuyển đổi, công nhận 11 ngôn ngữ chính thức, trong đó, có tiếng Anh. Sự công nhận này đã cung cấp một khuôn khổ cho các chính sách ngôn ngữ tiếp theo, bao gồm cả những chính sách liên quan đến giáo dục.

Tiếp đó, Nam Phi ban hành Chính sách Ngôn ngữ trong Giáo dục (Language-in-Education Policy) hướng dẫn thực hành ngôn ngữ trong trường học. Chính sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và duy trì sự đa dạng ngôn ngữ đồng thời công nhận vai trò của tiếng Anh như ngôn ngữ toàn cầu.

Chính sách này cũng vạch ra sự chuyển đổi dần dần từ dạy tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy chính. Quá trình chuyển đổi này nhằm mục đích hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu ngôn ngữ của học sinh. 

Tại trường học, Tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy của hầu hết trẻ em châu Phi, thường là từ lớp 4, và đôi khi ngay từ lớp 1. Trong suốt chương trình giảng dạy, từ Toán học đến Khoa học, Xã hội học và văn học, tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính để dạy và học. 

Sự vượt trội của Tiếng Anh trong giáo dục cũng gây ra nhiều tranh cãi. Các nhà quan sát cho rằng việc quá chú trọng vào tiếng Anh có thể đánh mất bản sắc của các ngôn ngữ bản địa khác, góp phần tạo ra cảm giác bất bình đẳng về ngôn ngữ. 

Trong bối cảnh đó, tại những năm đầu giáo dục (Giai đoạn Cơ sở/Foundation Phase), chương trình học thường nhấn mạnh vào việc dạy tiếng mẹ đẻ bên cạnh tiếng Anh. Cách tiếp cận này nhằm mục đích xây dựng nền tảng vững chắc về ngôn ngữ ở nhà của học sinh trước khi chuyển dần sang tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy.

Các trường cũng cam kết cung cấp chương trình giáo dục đa ngôn ngữ. Hiến pháp Nam Phi công nhận quyền được giáo dục bằng ngôn ngữ mà mỗi người lựa chọn. Tuy vậy, các bậc cha mẹ luôn muốn con mình học bằng tiếng Anh vì nhận thức được lợi ích của việc thành thạo tiếng Anh trên thị trường lao động.

Ngoài ra, nền giáo dục Nam Phi còn chú trọng đến hệ song ngữ bổ sung, có nghĩa là học sinh được khuyến khích thành thạo nhiều ngôn ngữ mà không phải từ bỏ trình độ ngôn ngữ ở nhà của mình. Điều này phù hợp với mục tiêu duy trì sự đa dạng ngôn ngữ.

Trình độ thông thạo tiếng Anh của Nam Phi là một khía cạnh độc đáo trong bản sắc của quốc gia này, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. 

Bằng cách thực hiện các chiến lược nêu trên, quốc gia này đã nâng cao được trình độ tiếng Anh của dân số, đặc biệt là trao quyền cho thế hệ trẻ những kỹ năng ngoại ngữ cần thiết để thành công trong một thế giới hội nhập. 

Thông qua sự kết hợp của các sáng kiến giáo dục và sự hỗ trợ của chính phủ, Nam Phi đang tiếp tục phát huy thế mạnh ngôn ngữ, góp phần vào sự thịnh vượng, gia tăng ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của quốc gia này.

Theo Tử Huy/Vietnamnet

 

Bình luận (0)