Hội nhậpThế giới 24h

Quốc gia ở EU công bố tổn thất tài chính khi ngừng trung chuyển khí đốt Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Slovakia mất hơn 2/3 thu nhập từng tạo ra từ việc vận chuyển khí đốt Nga, theo báo cáo kết quả tài chính được nhà điều hành mạng lưới truyền tải khí đốt Eustream thông tin.
Hệ thống kết nối khí đốt của Slovakia với Ba Lan.
Dữ liệu cho thấy, trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7.2023, Slovakia đã vận chuyển 16,97 tỉ mét khối khí đốt Nga, với doanh thu từ việc vận chuyển lên tới 226,5 triệu euro (242,8 triệu USD).
Trước xung đột Ukraina và các lệnh trừng phạt Nga mà EU áp đặt, Slovakia vận chuyển trung bình khoảng 60 tỉ mét khối khí đốt Nga mỗi năm. Ví dụ, từ tháng 8.2019 đến tháng 7.2020, Eustream vận chuyển được 61 tỉ mét khối khí đốt Nga và doanh thu thời điểm đó lên tới 748,04 triệu euro (811,7 triệu USD).
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra, lượng khí đốt Nga sụt giảm mạnh ở Slovakia có liên quan tới xung đột ở Ukraina. Khí đốt Nga được chuyển tới Slovakia thông qua tuyến đường ống đi qua Ukraina.
Tuy nhiên, lượng khí đốt qua đường ống này giảm sau khi Kiev đóng cửa trạm bơm khí quan trọng Sokhranovka vào tháng 5.2022. Công ty năng lượng Nga Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt qua đường ống Ukraina theo trạm duy nhất là Sudzha nhưng chỉ ở mức khoảng 40 triệu mét khối mỗi ngày.
Với lượng khí đốt trung chuyển giảm xuống dưới 1/3 mức trung bình trước xung đột, doanh thu giảm hơn 3 lần, các nhà phân tích Slovakia lo ngại, ngân sách nước này đang mất đi một trong những nguồn thu nhập chính. Theo hãng tin địa phương Denník Postoj, Slovakia nhận được khoảng một nửa doanh thu của Eustream thông qua thuế thu nhập hoặc cổ tức.
Thêm vào đó, các nhà phân tích lo ngại Slovakia có thể sớm mất liên kết hoàn toàn với khí đốt Nga. Người đứng đầu tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraina, ông Aleksey Chernyshov, từng nhấn mạnh vào tháng trước rằng Kiev sẽ không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga. Hợp đồng hiện hành sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Điều này có nghĩa là Slovakia cũng sẽ ngừng nhận trung chuyển khí đốt Nga. Về diễn biến này, người phát ngôn của Eustream Pavol Kubik chỉ ra, công ty sẽ nỗ lực tìm ra giải pháp để tránh mất nguồn cung khí đốt từ Nga.
Ông cho hay, các bên đang đàm phán về một thỏa thuận ba bên, trong đó bên thứ ba sẽ nhận khí đốt tại biên giới Nga – Ukraina và tiếp tục vận chuyển khí đốt đến EU.
Do đó, về mặt kỹ thuật, khí đốt được vận chuyển sẽ không còn được coi là của Nga và Gazprom sẽ không phải là bên trả tiền cho việc vận chuyển nên có thể trung chuyển qua đường ống dẫn khí ở Ukraina.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)