Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dục

Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo.

Luật có nhiều quy định quan trọng như: Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; ngành giáo dục được chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu…

Giảng viên Trường ĐH Công thương TP.HCM coi thi

Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026. Điểm đáng chú ý là khi luật này được thông qua thì lương của nhà giáo chính thức được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Theo đó, Luật Nhà giáo quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương “xếp cao nhất”.

Ngoài ra, theo quy định của luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động… góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.

Ngành giáo dục được chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.

Luật cũng giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Việc giao thẩm quyền cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa – thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Ngành giáo dục được chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

Bên cạnh đó, luật còn quy định Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Bộ GD-ĐT cho biết, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ GD-ĐT tạo đã khẩn trương xây dựng 2 nghị định và gần 20 thông tư hướng dẫn thi hành để kịp ban hành đồng thời với hiệu lực của luật vào ngày 1-1-2026. Hệ thống văn bản này sẽ cụ thể hóa các chính sách của luật, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và hiệu quả khi đi vào thực tiễn.

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm, không bị giảm lương hưu

Luật Nhà giáo mở rộng và hợp nhất hệ thống chính sách hỗ trợ, trong đó, hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà cho giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp sức khỏe định kỳ, đào tạo – bồi dưỡng nghề nghiệp cho tất cả nhà giáo, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; ưu tiên trong tuyển dụng, điều động, tiếp nhận đối với nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thu hút người có trình độ cao, kỹ năng nghề giỏi tham gia giảng dạy, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu (nếu đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn để giữ chân người tài.

Bảo vệ danh dự, uy tín nghề giáo

Luật Nhà giáo xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước.

Luật quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo; bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Mê Tâm

Bình luận (0)