Ngày 30-5, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”.
Quang cảnh buổi họp
Chuyên đề giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội.
Theo đó, báo cáo giám sát đánh giá việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.
Một số bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó vốn của các bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng (đã giải ngân 19,67%); của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng (đã giải ngân 36,72%).
Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế. Trước hết, Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng.
Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng được đánh giá là rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn…
Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bên cạnh đó còn do quy định pháp luật về quy hoạch bất cập…
T.S/VGP
Bình luận (0)