Ngày 20-10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật cán bộ, công chức, để chống nạn “chạy chức, chạy quyền”, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung vào nội dung dự án Luật này hai điều liên quan đến việc bổ nhiệm công chức vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
> Quốc hội thảo luận Tán thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao
> Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII: Việt Nam đã kiềm chế lạm phát hiệu quả
“Hai điều cần bổ sung là: điều thứ nhất, về nguyên tắc bổ nhiệm phải thực hiện cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình bổ nhiệm; tạo tính cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên; và người có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều thứ hai, về phương thức bổ nhiệm, phải có nhiều ứng cử viên vào một vị trí lãnh đạo và các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình trước hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định được thành lập để xem xét hồ sơ, phẩm chất, năng lực, uy tín và tổ chức đối thoại giữa các ứng cử viên, đánh giá kết quả theo tiêu chí cụ thể đối với từng ứng cử viên. Tập thể cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo có thẩm quyền xem xét quyết định trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định” – ông Cuông nói. Theo ông Cuông, tình trạng chạy chức, chạy quyền xảy ra ở mọi cấp, mọi nơi. Do vậy nếu thực hiện các quy định nêu trên, không những giữ được vai trò quyết định của các cấp ủy Đảng mà còn góp phần chọn đúng người có phẩm chất, năng lực.
Công chức “ba không”
Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) đề nghị ban soạn thảo lưu ý tới quy định về hoạt động của thanh tra công vụ. Bà Thảo cho rằng thanh tra công vụ theo như quy định của dự án luật này, chỉ nói riêng việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động công vụ thì chưa thể hiện hết nội dung, bản chất của thanh tra công vụ.
Bà Thảo lý giải: “Trên thực tế, có một số công chức ba không: không cười, không giải thích, nói với dân không chủ ngữ. Nếu thực hiện thanh tra công vụ sẽ bắt gặp cụ thể, và có thể lấy hồ sơ công việc để xem xét công chức có làm hết trách nhiệm không. Dự án luật này cần quy định rõ thanh tra công vụ là thanh tra hoạt động công chức theo chức năng, nhiệm vụ”.
Một vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận trong dự án luật này là các quy định về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu khác kiến nghị với Quốc hội không nên phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Bởi phân biệt như vậy sẽ tạo ra rào cản giữa cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, làm ảnh hưởng tới việc luân chuyển cán bộ và ảnh hưởng đến việc thu hút cán bộ làm việc ở cấp xã.
Quyền của người đi bộ chưa được chú trọng
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật giao thông đường bộ sửa đổi. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho rằng dự án luật này chưa có những quy định cần thiết về quyền của người đi bộ, trong khi đi bộ là xu hướng của các xã hội văn minh nhằm rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường. “Cần có những quy định tạo điều kiện, khuyến khích người đi bộ. Thực tế hiện nay người đi bộ rất khổ vì lòng lề đường bị lấn chiếm, trong khi đó dự án luật này lại quy định ở những nơi không có tín hiệu giao thông, không có vạch kẻ đường thì người đi bộ phải quan sát và nhường đường cho các phương tiện giao thông khác, đồng thời chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra… Nếu quy định như vậy e rằng không ai dám đi bộ ra đường” – ông Hiền nói.
Nhiều đại biểu đề nghị nên cấm sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, vì sẽ khó khả thi nếu dự án luật quy định theo hướng nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định cụ thể (quá 50mg/lít máu hoặc 0,25/lít khí thở) mới bị phạt. “Những người khi đã ngồi vào nhậu rồi thì chắc chẳng ai uống đến mức giới hạn rồi thôi ra đi xe máy về” – giám đốc Công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều nói.
Cuối phiên thảo luận, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị dự án luật này cần quy định người ngồi sau môtô, xe máy không được ngồi ngang hoặc không được quay ngược về đằng sau. Ông Thường nói: “Đó là hành vi cực kỳ nguy hiểm, còn hơn cả việc đội mũ mà không cài quai. Hôm nay là ngày phụ nữ VN (20-10), tôi đưa ra ý này chắc chị em cũng hơi buồn, bởi vì đã thích mặc váy thì dứt khoát không được ngồi ngang sau xe máy”.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn: Thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã Ngày 20-10, bên hành lang Quốc hội, báo chí đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn xung quanh các chính sách đối với cán bộ, công chức và đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. * Việc tăng lương cho cán bộ công chức sắp tới có gì mới và phụ cấp bù giá sẽ được tính như thế nào? – Ngoài tăng lương 20% vào quý 2-2009, tới đây sẽ có thêm khoản phụ cấp công vụ nâng lên 10%. Trong điều kiện chúng ta hiện nay phải từng bước thực hiện theo lộ trình. Trong quá trình tính lương sẽ bù giá được một phần, chưa có điều kiện để tính đủ việc bù giá. * Đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đang gây lo ngại là khi thực hiện thí điểm sẽ có hai hệ thống chính quyền trong bộ máy nhà nước? – Hiện nay có ý kiến nói rằng HĐND đã có đóng góp nhất định nên việc không tổ chức nữa cũng phải cân nhắc. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng giai đoạn trước HĐND đã phát huy tốt, nhưng nay để đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính cũng phải xem xét có nên tổ chức HĐND ở các cấp đó nữa hay không. Vì thế mới đặt vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định về đề án này. Thí điểm là để xem tổ chức có hiệu quả hơn không, từ đó mới có cơ sở để quyết định làm đại trà. * Hiện nay trong việc dân bầu trưởng thôn nhiều nơi gặp khó khăn do quan hệ họ hàng, dòng tộc. Vậy đề án thí điểm dân trực tiếp bầu chủ tịch xã có tính hết những khó khăn? – Khi trình đề án, ban soạn thảo đã tính kỹ. Sẽ có hướng dẫn để phát huy quyền làm chủ của dân, nhưng cũng phải chọn được người xứng đáng để thay mặt dân thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương. Từ việc tiến hành bầu trưởng thôn và tới đây là bầu chủ tịch xã, nhằm chọn ra được người chủ tịch xã có năng lực, phẩm chất, uy tín với dân để đảm bảo công việc ở xã tốt hơn. Việc này xuất phát từ tổng kết kinh nghiệm của chúng ta trong việc bầu trưởng thôn, từ việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, được dân đồng tình. Khi dân đồng tình, thống nhất cao thì công việc tiến triển tốt hơn, đoàn kết xóm giềng ở nông thôn sẽ tốt hơn. * Người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã vậy sẽ có thẩm quyền gì trong bãi nhiệm? – Đề án đã có quy định chi tiết đối với các trường hợp miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Theo đó, chủ tịch xã do dân bầu thì chính nhân dân sẽ bãi nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ và không còn được cử tri tín nhiệm. Trong trường hợp vi phạm pháp luật đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc bãi nhiệm sẽ thông qua HĐND. * Ban soạn thảo đề án đã đề xuất tăng thêm quyền cho chủ tịch xã được dân bầu trực tiếp, như có quyền giới thiệu nhân sự cấp phó, khen thưởng, kỷ luật hạ bậc lương công chức…, nhưng có nhiều ý kiến phản đối đề xuất này? – Đây là dự thảo nên khi trình ra sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Nguyên tắc là làm thế nào trong cơ chế hoạt động phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tuy phát huy vai trò tập thể nhưng phải có trách nhiệm của người đứng đầu. Vì thế người đứng đầu phải được trao cho một quyền hạn nhất định và một vị trí với tiếng nói xứng đáng để đề xuất ý kiến, giới thiệu cấp phó cho tập thể tham khảo và quyết định. Đây là một quy trình cần thiết chứ không có nghĩa chủ tịch xã sẽ quyết định luôn cấp phó. Trong các văn bản chung của quy định pháp luật sẽ không nêu nhưng trong các hướng dẫn tổ chức thực hiện thì chúng tôi vẫn nêu quy định để thể hiện trách nhiệm và quyền hạn người đứng đầu. C.V.Kình – V.V.Thành ghi |
Bình luận (0)