Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quốc hội thảo luận tại tổ: Bàn việc sửa đổi Hiến pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Thảo luận tại tổ về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sáng qua, 6.11, nhiều ĐBQH đề nghị phải làm rõ hơn chế định kiểm soát quyền lực, nội hàm quyền dân chủ trực tiếp cũng như quy định quyền phúc quyết của dân.
Về cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội dung Hiến pháp sửa đổi, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nhận xét, mặc dù Hiến pháp sửa đổi lần này bổ sung thêm quy định có sự kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng chế định kiểm soát quyền lực lại chưa rõ. “Phàm người có quyền thì lạm quyền, dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực, nhưng chưa rõ cơ chế kiểm soát quyền lực ở đây là gì?”, ông Lịch băn khoăn.
 
 
Nên công khai ý kiến tiếp thu trên báo chí
Qua thảo luận về dự thảo nội dung Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp, nhiều ĐBQH đề nghị sau khi QH thảo luận bước đầu, cần đăng tải dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên báo chí để dân góp ý sớm. ĐB Trần Hoàng Ngân, ĐB Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề nghị báo chí cần đăng tải các ý kiến được tiếp thu giải trình của các tầng lớp nhân dân, vì vừa qua nhiều người dân tâm tư, góp ý nhưng không biết có được tiếp thu, phản hồi.
 
Theo ông Lịch, việc kiểm soát quyền lực phải được cụ thể hơn bằng các chế định kiểm soát, như nâng vị thế độc lập của Kiểm toán Nhà nước cũng là một việc, rồi chế định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một cách, nhưng điều quan trọng hơn là phải làm rõ được các điểm mới để kiểm soát quyền lực hiệu quả trong thời gian tới ra sao, ví dụ như kiểm soát tư pháp ngoài mấy báo cáo như lâu nay và việc bổ nhiệm thẩm phán thì giờ sửa Hiến pháp còn cơ chế nào để kiểm soát quyền lực tư pháp nữa không…?
Phó viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát (Viện KSND tối cao) Đỗ Văn Đương cũng nhấn mạnh kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước là rất quan trọng, đặc biệt là quyền hành pháp. Theo ông Đương, có 2 chế định để QH có thể kiểm soát được quyền hành pháp, đó là chế định thanh tra và kiểm toán độc lập, nhưng dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới chỉ quy định vị thế độc lập của Kiểm toán Nhà nước, còn thanh tra với chức năng kiểm tra sử dụng vốn tài sản nhà nước lại nằm trong hệ thống cơ quan hành pháp. Vì vậy, cần bổ sung chế định thanh tra độc lập trong Hiến pháp sửa đổi lần này, gọi chung là ban thanh tra – kiểm toán như Hiến pháp nhiều nước cũng đã quy định, để giám sát hiệu quả hoạt động của cơ quan hành pháp.
Quy định rõ hơn việc trưng cầu dân ý
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng các bổ sung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong nội dung Hiến pháp sửa đổi còn “mờ nhạt”,  mới đơn thuần chỉ là bổ sung quyền sống và quyền trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. “Hiến pháp sửa đổi kế thừa và khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân. Để người dân thực sự làm chủ thì phải quy định rõ hơn nữa về quyền bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân”, bà Thúy đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền trong buổi thảo luận tổ – Ảnh:  NgọcThắng
Cũng theo ĐB này, theo điều 31 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trong khi Hiến pháp 1992 ghi rõ: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Như vậy, quyền này của dân đã bị thu hẹp hơn, chưa phù hợp. Hơn nữa, theo bà Thúy, tại điều 76 quy định QH quyết định việc trưng cầu ý dân là chưa đủ, vì vậy cần bổ sung thêm vào Hiến pháp quyền phúc quyết của nhân dân, vốn đã được xác định tại Hiến pháp 1946. “Cần đưa quyền phúc quyết của người dân vào Hiến pháp và có cơ chế bảo đảm người dân được thực hiện quyền này”, bà Thúy đề nghị.
Dẫn chiếu nội dung Hiến pháp nhiều nước như Mỹ, Pháp nói rõ “tất cả quyền lực của nhà nước đều thuộc về nhân dân”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (ĐB Hà Nội) nhận xét: Hiến pháp sửa đổi của ta lần này quy định quyền lực thuộc về nhân dân và quyền đó thực hiện thông qua chế độ dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, đó là bổ sung rất quan trọng nhưng “nội hàm của quyền dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp lại rất nghèo nàn, đó là thông qua trưng cầu dân ý, và mới chỉ dừng ở đấy mà chưa nói rõ những trường hợp nào được trưng cầu dân ý. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia những vấn đề gì, quyết định vấn đề gì cũng chưa được nêu rõ”.
Vì vậy, theo ông Quyền, việc quy định cơ quan hay Hội đồng bầu cử quốc gia là vô cùng cần thiết, ở các nước có hàng trăm năm rồi. Hội đồng bầu cử này sẽ thực hiện nhiệm vụ trưng cầu dân ý, bầu cử trực tiếp để bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp của dân.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nội dung Hiến pháp sửa đổi lần này. Theo ĐB Đặng Thành Tâm (TP.HCM), để tạo đột phá trong lĩnh vực kinh tế trên cơ sở sửa đổi Hiến pháp lần này, nên thay quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo bằng quy định kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo. “Quy định này sẽ phát huy được mạnh mẽ hơn độc lập chủ quyền về kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”, ông Tâm nhấn mạnh. 
Cần làm rõ hơn quyền của Chủ tịch nước
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền tán thành quy định về quyền Chủ tịch nước trong Hiến pháp sửa đổi và cho rằng, Chủ tịch nước là người thống lĩnh trong lực lượng vũ trang thì đương nhiên phải bổ nhiệm chức danh tướng lĩnh trong lực lượng này. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) ủng hộ ý kiến trên và cho rằng, vai trò Chủ tịch nước chỉ có thời Bác Hồ là có thực quyền, từ năm 1992 chỉ mang tính chất tượng trưng.  Vì vậy, ĐB Khánh đề nghị phải sửa đổi mạnh để tăng quyền cho Chủ tịch nước.
Phát biểu tại tổ TP.HCM, ĐB Nguyễn Văn Hưng cũng đề nghị cần làm rõ hơn trong nội dung Hiến pháp sửa đổi nội hàm Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang là thống lĩnh ở khía cạnh nào. Ngoài ra, theo ông Hưng, việc quy định Chủ tịch nước quyết định phong hàm cấp tướng trong quân đội mới chỉ là một vế trong lực lượng vũ trang, còn với lực lượng công an thì chưa rõ.
Quyền phúc quyết của dân
Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), quyền phúc quyết của dân được hiểu là người dân có quyết định cuối cùng về một vấn đề quan trọng, trọng đại nào đó của một đất nước, một quốc gia. Thông qua việc nhà nước tổ chức lấy ý kiến dân về vấn đề nào đó, phải được sự đồng ý của dân thì mới có thể thực hiện, không phải là việc nhà nước đứng ra lấy ý kiến của dân để đi đến quyết định của mình.
Chẳng hạn ở Thụy Điển giữa những năm 70 của thế kỷ trước, họ có ý định xây dựng nhà máy điện nguyên tử, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau nên hay không nên, cuối cùng lấy ý kiến của dân thì đa số dân không ủng hộ xây dựng nhà máy điện nguyên tử này, cuối cùng Thụy Điển không xây.
Hoặc ở Úc, cách đây vài năm nhà nước lấy phúc quyết của dân để quyết định đất nước theo thể chế Cộng hòa hay vẫn nằm trong khối Liên hiệp Anh mà người đứng đầu là Nữ hoàng Anh. Sau khi lấy ý kiến đa số dân chúng quyết định giữ nguyên như hiện nay nên chính thể Úc vẫn giữ nguyên như vậy. Đó chính là phúc quyết, hay nói cách khác, quyền phúc quyết của dân nghĩa là dân đồng ý mới được làm và dân không đồng ý thì không được phép.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)